Đây cũng là lúc anh chị em họ nhà tôi tập trung về nhà ngoại, bày trò chơi suốt ngày: Không trò bắn thun, bắn bi, nhảy dây thì cũng chơi cò cò, bày đồ bán hàng.
Lúc nhỏ, nhà ai trong xóm tôi cũng nghèo như nhau, bánh trái hàng quán là thứ xa xỉ đối với lũ trẻ nên món ăn vặt của chúng tôi quanh đi quẩn lại chỉ là mấy cây ổi, cây khế, cây mận, chùm ruột,... sau hè.
Trưa, trong khi người lớn say giấc nồng trên những bộ ván, chiếc võng cũng là lúc những trò chơi ồn ào buộc phải ngưng lại để giữ cho không khí yên tĩnh. Không được chạy nhảy, la hét, đứa con nít nào không buồn miệng. Đi ngủ như người lớn lại càng khó bởi mùa hè có 3 tháng, “hơi đâu mà hững hờ”.
Vậy là cả đám bắt đầu tụm lại kiếm cái gì đó ăn. Và lúc này, mấy loại trái trong vườn như chuối ổi, xoài, mận, chùm ruột,... được tận dụng tối đa bất kể chua - ngọt, sống - chín, già - non. Dù thế nào thì mấy loại trái này khi được chấm với mắm đường cũng ngon hết biết.
Trước khi ăn, anh họ tôi phân công mỗi đứa ai về nhà ấy, xem trên cây nhà mình có quả gì mà có thể ăn không cần nấu thì hái mang đến chỗ hẹn - khi thì ở chái bếp sau vườn, khi thì căn chòi nhỏ chúng tôi thường hay chơi bán đồ hàng.
Các loại trái thường chấm với nước mắm đường được kể sơ qua như khế là món chủ đạo vì nó trồng nhiều trong xóm, ăn không sợ hết. Kế tiếp là xoài non mới lớn chứ không đợi tới xoài già, rồi chuối chát khi thì chuối hột lúc thì chuối xi mon, mít non còn cám hay người ta còn gọi là dái mít, đu đủ già không hôi mủ, mận, có khi sang hơn thì có bưởi chua.
Những loại trái cây hay thấy trong vườn nhà ở nông thôn từng nuôi lớn tuổi thơ tôi
Đến lúc mọi người tập hợp mang trái cây đến thì ông anh phân công con Lan, con Lụa gọt vỏ đu đủ bào mỏng với xoài, khế chua, mít non, chuối chát,... Riêng ổng lớn nhất nên pha nước mắm đường. Nói cho có vẻ là công việc quan trọng nhưng pha mắm đường là việc đơn giản nhất. Đầu tiên đem một ít đường cát bỏ vào chén rồi rót nước mắm vào, không quên cho mớ tiêu, nếu muốn ăn cay thì xắn thêm trái ớt hiểm. Ông anh tôi nhiều khi cũng “ác” lắm, xắn tới 2 trái ớt, bảo là “vậy mới ngon” và đặc biệt là làm cho những đứa không ăn cay nhiều được như tôi ăn ít lại cho đỡ hao mồi.
Sau khi các loại quả nói trên được gọt vỏ và rửa sạch để trong rổ tre cho ráo nước thì cũng là lúc tô mắm đường đặc quánh, thơm nức điểm mớ ớt đỏ tươi, tiêu đen đã hoàn thành.
Cả đám bu vào cùng chấm mút, nhai lấy nhai để như đói tự kiếp nào. Những tiếng nhai rào rạo, tiếng hít hà như phá vỡ cả buổi trưa yên tĩnh, nhiều khi khiến đám ve bu trên cây nhãn phải im bặt. Nhiều đứa ăn cay không giỏi nhưng dù chảy hết nước mắt nước mũi, mặt đỏ bừng lên vẫn quyết không bỏ cuộc giữa chừng.
Vị chua chua của khế, xoài hoà với sự chan chát của chuối non và mít khi chấm vào chén nước mắm mặn chưa tan kịp đường thơm mùi tiêu ớt.... ta nói ngon đến tận kẽ răng.
Sau 5 phút bị oanh tạc, chiếc rổ tre trống rỗng, nhiều đứa còn tiếc mớ mắm còn sót lại bèn quẹt tay liếm cho kỳ hết rồi ra cái khạp nước ngoài đầu ngõ, múc gáo nước làm một hơi. Lúc này, bụng đứa nào cũng no căng, lại tiếp tục những trò thường ngày.
Rồi ba tháng hè cũng trôi qua, rồi chúng tôi ngày càng khôn lớn, mỗi đứa mỗi nơi. Không biết giờ này họ có còn nhớ đến những ngày tháng ấy không, chứ tôi mỗi lúc có chuyện không vui lại hay nhớ chuyện xưa quá chừng nhớ. Có những trưa hè rực nắng, buồn không biết làm gì cũng làm chén nước mắm ra vườn hái mấy quả mận, khế hay chùm ruột ăn cho đỡ nhớ. Nhưng sao cái vị chua, cay, đắng, chát không còn ngon như hồi xưa nữa mà lơ lớ trong cổ họng.
Tuổi thơ vô lo, chắc vì vậy mà vị giác còn trinh nguyên, ăn gì cũng thấy ngon. Khi đã lớn, cuộc sống nhiều lo toan với cơm, áo, gạo, tiền khiến vị giác chai sần theo năm tháng. Có lẽ vì vậy mà ăn lại những món ngày xưa, tôi bỗng nghe nghèn nghẹn trong cổ.