Nam Định quê tôi, một vùng đất ven biển thuần nông với nhiều đặc sản mang đậm tính chất vùng miền như: Gạo tám, bánh nhãn, kẹo lạc, nem nắm, bánh gai... Những món ăn đã đi vào truyền thống, thói quen gắn liền với với tuổi thơ của nhiều người.
Một người con xa quê hương như tôi, sống trong môi trường thành phố, được thưởng thức những món ăn có thể nói xa xỉ so với những đồ ăn của tuổi thơ. Thế nhưng với tôi những thứ đó chẳng sánh bằng đồ ăn do mẹ nấu. Đơn giản vì đã nuôi dưỡng và đi sâu vào tiềm thức của tôi. Món ăn làm tôi gợi nhớ đến tuổi thơ cơ cực, làm tôi luôn sống trong kỉ niệm vui mỗi khi gợi nhớ đến.
Quê tôi đặc sản bánh nhãn Hải Hậu. Thế nhưng mẹ tôi lại làm cả gia đình “ say mê” món nem nắm đặc sản của huyện Giao Thủy. Một huyện nằm ngay sát huyện tôi. Không chỉ gia đình tôi mà cả họ hàng ở xa mỗi lần về quê lại được mẹ làm biếu những quả nem nắm gói gọn trong tấm lá chuối xanh mang đi làm quà.
Có thể nói món nem nắm chẳng có gì là lạ lẫm với nhiều người. Có lẽ bạn sẽ tự hỏi món ăn này hầu như ai cũng từng được thưởng thức thì có gì mà đặc biệt nữa? Thế nhưng, sở dĩ tôi say mê món ăn này vì nó mang một mùi vị đặc biệt, một mùi chẳng giống bất kì mùi vị nào tôi đã từng ăn. Bởi vì những nguyên liệu làm ra món ăn đa số là từ quê hương nên tất nhiên chẳng thể giống được món ăn ở nơi khác.
Nguyên liệu cần thiết để món ăn ngon nhất chính là thính. Thính làm từ gạo tám dẻo rang thơm lên rồi xay nhỏ ra có màu vàng đậm. Gạo tám Hải Hậu có lẽ ai cũng biết vì nổi tiếng khắp nơi, chỉ vùng quê tôi mới trồng được giống gạo này.
Nguyên liệu quan trọng không kém thứ hai chính là thịt ba chỉ. Thịt lợn sạch nuôi không tăng trọng, không thuốc kích thích nên thịt thơm không có mùi hôi, ăn bùi và chắc. Khác xa giống thịt thành phố. Bì lợn cạo sạch lông không dính mỡ đem luộc cùng thịt. Vớt bì lợn ra trước đem thái thật mỏng rồi đảo cùng thịt luộc băm vừa phải. Đem ướp nguyên liệu vừa đảo cùng với gừng, hành, tỏi, mì chính, hạt tiêu, nước mắm nguyên chất.
Quê tôi vùng biển đương nhiên nước mắm phải ngon tuyệt rồi. Nhất là nước mắm chắt thì càng thơm và ngon, dậy mùi giàu độ đạm vượt trội hơn hẳn nước mắm làm công nghiệp có vị ngọt lợ nhạt nhòa.
Thính sẽ cho vào sau cùng, khi gia vị được trộn đều cùng thịt và bì lợn. Trộn đều tay, trộn đến khi nào mọi nguyên liệu đều được bao bọc bởi màu vàng đậm của thính thì dừng. Để nem chừng nửa tiếng cho ngấm rồi đem ra nắm thành từng nắm nhỏ tầm vừa lòng bát ăn cơm. Lót dưới quả nem ít lá sung hay đinh lăng để ăn kèm rất hợp mùi vị. Món ăn thích hợp trong các bữa ăn hàng ngày hay cũng được làm phổ biến trong các bữa cỗ. Rất dễ ăn, không ngán và ăn rất tốn cơm.
Nem nắm Nam Định. Ảnh: Internet
Mỗi lần tôi về quê là một lần mẹ làm nem nắm cho tôi thưởng thức. Tôi ăn chẳng khi nào chán. Tôi có thể ăn suốt mấy ngày liền cũng được. Cảm giác gói miếng nem nhỏ cùng lá sung nhúng vào bát nước chấm chanh tỏi ớt thơm lừng rồi đưa vào miệng thưởng thức. Nhiều vị lan tỏa trong đầu lưỡi: Vị dai dai của bì lợn, bùi của thịt, thơm phức của thính và các gia vị hòa cùng vị hơi chát của lá sung hay mùi thơm nhẹ của lá đinh lăng. Một cảm giác khó tả càng nhai càng thấy ngon. Đó chính là điểm đặc biệt cuốn hút của món nem.
Thế nhưng, tôi cũng nhiều lần làm nem nắm để ăn nhưng chẳng khi nào thấy ngon như mẹ làm. Mặc dù nhiều lần tôi được mẹ tận tay chỉ bảo nhưng vẫn cảm thấy ăn thiếu thiếu thứ gì đó. Có thể do thịt tôi luộc quá lửa hay chưa chín kĩ, bì thái không đều tay hay gia vị không vừa miệng. Chỉ cần sai sót một công đoạn cũng làm món ăn kém đi rất nhiều.
Mẹ thường bảo “ món này tưởng dễ mà khó”. Nấu món ăn không khó nhưng nấu để người ta nhớ mãi và muốn ăn lần nữa mới không đơn giản chút nào. Vậy nên, nấu ăn cũng phải học hỏi lâu dài. Bởi vậy những “đứa trẻ” đã lớn dù có đi đâu xa được ăn cao lương mỹ vị, cao cấp đến mấy cũng đều rất thèm, muốn được về quê để ăn những món ăn dân dã mẹ nấu. Bởi món ăn đã đong đầy tình cảm của mẹ cho cả gia đình, không ngon sao được?
(*) Xem thể lệ cuộc thi BÍ TRUYỀN CỦA MẸ tại đây.