Tôi rời bản làng nhỏ của mình xuống thị xã học cái chữ đã được 4 năm. Ở thị xã, cái gì cũng tươi mới, ồn ã và náo nhiệt. Thị xã cuốn hút tôi với vô vàn điều mới mẻ nhưng có một điều tôi luôn khắc khoải trong tâm khảm, đó là mùi vị của quê nhà. Đó là mùi chan chát của những con đường đất nhỏ mòn lối chân người và gia súc vắt ngoằn nghèo qua những quả núi, là mùi ngai ngái của thứ cây đay dùng để dệt vải thổ cẩm, là mùi ấm nồng của những ly rượu ngày đông, là mùi thơm ngọt của những chén mèn mén. Vâng mèn mén, thứ thức ăn chân thực ấy đi sâu vào tiềm thức ấu thơ tôi với một dư vị ngọt ngào.
Khi chuẩn bị làm mèn mén, mẹ sẽ sai chị em tôi trèo lên gác bếp lấy một sọt ngô đầy (khoảng 2 chục bắp) rồi mấy mẹ con túm tụm lại ngồi tách hạt. Ngô được tách xong sẽ được đem đổ vào cối đá xay. Không phải đổ cả rổ mà chỉ cho từng nhúm, từng nhúm, vài hạt một lần thôi. Cái cối đá trông thì nhỏ bé, kết cấu cũng đơn giản nhưng điều khiển nó không phải là dễ. Mẹ tôi phải dùng toàn bộ sức lực của người đàn bà vùng cao quen với việc đồng áng để đẩy từng vòng quay đều đều. Mất tầm 1 tiếng chúng tôi mới xay thành bột được hết số ngô.
Bột ngô đã xay nhuyễn được sàng đi sàng lại nhiều lần để sảy hết cám và trấu. Mẹ tôi mang thứ bột ngô mịn màng đượm một màu vàng ươm ấy đem hòa với nước. Một tay đổ nước, một tay mẹ tôi đảo đều bột cho tơi ra, tránh vón cục. Lượng nước đổ vào cũng chỉ vừa đủ, không để bột quá khô hoặc quá vón. Người mẹ H’Mông của tôi không có những ly đong nước chuyên nghiệp như mấy cô đầu bếp trên truyền hình, mẹ chỉ đong bằng cảm tính của người làm nội trợ lâu năm nhưng hương vị của món mèn mén lần nào mẹ làm cũng vẫn vậy, không khi nào sai khác.
Mèn mén, món ngon của người H' Mông ở miền Tây Bắc. Ảnh: Internet
Món mèn mén phải đồ hai lần mới hoàn thành. Tôi thường thắc mắc hỏi mẹ “tại sao phải đồ 2 lần, tại sao không đồ một lần thật lâu là xong?”. Mẹ chỉ cười hiền dịu, lắc đầu, bảo: “Bà ngoại dạy mẹ như thế”.
Sau này, lớn lên đi nhiều, biết nhiều, tôi nghĩ việc đồ mèn mén cũng giống như người người xuôi kho cá, họ cũng phải kho hai lửa thì cá mới mềm, mới thơm và ngấm gia vị. Vậy nên để mèn mén thẩm thấu được đến tận cùng thứ nước đầu nguồn ngọt bùi của vùng cao, người ta phải đồ làm hai lần. Lần đồ đầu tiên để tẩm nước vào bột ngô cho tơi ra. Nồi hấp được sử dụng là một chiếc chảo lớn chứa nước và ở giữa đặt một chõ cao. Bột ngô sau khi đảo với nước sẽ được đặt trong chiếc chõ này. Thời gian hấp lần đầu tùy thuộc vào từng loại ngô. Nếu là ngô non thì chỉ sau khi nước trong chảo sôi, hơi bốc nhiều trên miệng chõ là được. Nếu là bột ngô già thì cần thời gian lâu hơn.
Sau đó, mẹ đổ bột ra mẹt, đợi bớt nóng sẽ dùng tay vò cho tơi. Mẹ phải cho thêm một lượng nước vừa đủ và đảo đều tay để bột không bị vón. Khi thấy bột tơi trở lại thì tiếp tục cho vào chõ để đồ lần hai. Lúc này, chị em chúng tôi cứ quanh quẩn bên bếp, chờ mẹ bưng chõ mèn mén ra là bu lại nhón tay ăn vụng. Vị ngọt, thơm, bùi của ngô lan tỏa đến từng ngóc ngách của vị giác. Vừa ăn chúng tôi vừa phải thồi phù phù vì nóng.
Những ngày đông rét buốt của tiết trời Tây Bắc, hơi ấm dịu ngọt của nồi mèn mén tỏa ra quả thật hấp dẫn vô cùng. Nó quyến rũ từng tế bào khứu giác của tôi, khiến tôi luôn phải khụt khịt chiếc mũi đang đóng băng vì lạnh để hít hà thứ hương vị của núi rừng, sương gió.
Chúng tôi thường ăn mèn mén chan với canh cải, canh bí đỏ hoặc canh susu, vừa dễ ăn, tránh bị nghẹn mà tăng lại thêm mùi vị cho món ăn. Để món mèn mén thêm tròn vị thì ớt nướng là một phần không thể thiếu. Do thời tiết vùng cao khắc nghiệt, trời sương gió bấc nên người H'Mông chúng tôi ăn ớt rất nhiều để chống rét. Ớt cay đúng vị nhất là quả ớt thóc, đem nướng cho thơm mùi khói lên thì giã nát với muối, ăn cùng mèn mén cứ gọi là ngon tuyệt. Vị cay xộc lên đến tận đỉnh đầu, kéo theo sau đó là vị bùi ngậy đậm đà của mèn mén.
Vậy đó, dù đi xa đến đâu, dù được ăn bao nhiêu lần những món ngon vật lạ khác thì dư vị của món ăn vùng cao được kết tinh từ tình yêu thương của mẹ và những hạt ngô của núi rừng Tây Bắc vẫn lôi cuốn tôi mãi không thôi.
(*) Xem cách thức và thể lệ cuộc thi BÍ TRUYỀN CỦA MẸ tại đây