Nói về bánh có ý nghĩa nhất đối với người Việt Nam, trước nhất phải nói đến bánh chưng, bánh giầy của Lang Liêu thời Vua Hùng Vương thứ VI.
Kế đến là bánh su sê (hay còn gọi là bánh phu thê) ở Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Đây là loại bánh ngon thơm có ý nghĩa đã được thi sĩ từ xưa nhắn gởi lại cho ai ngược xuôi vào Nam ra Bắc bằng câu thơ:
Ai ra xứ Huế
Nhớ ghé sông Cầu
Mua cau, mua trầu
Mua bánh su sê...
Bánh su sê tượng trưng cho tình yêu chung thủy, sắt son của vợ chồng
Bánh su sê không chỉ đẹp về hình thức lẫn nội dung mà là thứ bánh không thể thiếu trong lễ dạm hỏi, cưới.
Bánh được làm bằng nguyên liệu dừa nạo sợi, bột, đậu xanh nghiền nhuyễn và gói bằng lá dừa.Cách thức làm bánh có nhiều công đoạn. Tuy hơi phức tạp nhưng với những bà nội trợ khéo tay thì mọi việc cũng xong. Về hình dáng, bánh su sê dài 4cm ngang 6cm, gói bằng lá dừa, nguyên liệu gồm: bột, đường, nước dừa đem hòa chung, sau đó đem lược lại cho sạch, cơm dừa nạo thành sợi nhỏ như cọng tăm dài độ 5-10cm.
Bột và dừa trộn đều, bắc lên bếp lò khuấy đều cho bột đặc lại, thấy bột nửa chín nửa sống là được. Người ta còn đãi sạch vỏ đậu xanh rồi nấu chín nhừ, tán nhuyễn cho đường và chút dầu ăn để xào cho đặc lại rồii múc bột cho vào khuôn bánh lá dừa đã xếp sẵn. Cái khéo ở đây là làm thế nào để bột ở ngoài, nhưn chính giữa, dùng tay xoa bốn cạnh bánh thành góc vuông và bằng phẳng.
Xong đem xếp vào xửng để hấp khoảng 15- 20 phút, thấy bột trong là được. Đó là cách làm bánh ở miền Trung, ở miền Nam làm bánh phu thê có khác đôi chút.
Cái bánh su sê miền Trung đã đi dần theo vua chúa nhà Nguyễn vào Nam, không những ngon mà còn có ý nghĩa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc: bánh hạnh phúc phục vụ cho ngày cưới, cho tình vợ chồng khắng khít bên nhau trọn đời.
Bánh su sê không thể thiếu trong ngày cưới
Bánh phu thê vào Nam đơn giản hơn nhiều, cách gói thì giống nhau, nguyên liệu gói có khác đôi chút, ở miền Nam họ gói bằng lá dừa non, bằng lá chuối. Nhưng làm bằng dừa kéo sợi, có thêm đu đủ mỏ vịt nạo sợi dài cũng trộn chung với bột nên khi ăn nghe sần sật.
Đó là những vật liệu có thêm đôi chút để thấy bản sắc người Nam Bộ là tổng hợp từ nhiều vùng miền Bắc, Trung, Nam và pha chút ẩm thực Campuchia, Hoa, Ấn, Châu Âu, ý nói lên tình đoàn kết để lao động, để đấu tranh. Ngày xưa nơi đây còn nhiều thú dữ, thiên tai khắc nghiệt, nên phải hòa hợp, đoàn kết để bảo vệ nhau và nhưn bánh su sê có nhiều vị đã nói lên điều đó.
Cái khác biệt rõ nét nhất ở bánh phu thê miền Nam là khi nấu người ta thường lấy dây buộc hai cái dính chặt vào nhau, điều này muốn nói lên tình vợ chồng luôn gắn bó không rời nhau.
Về hương vị, có sự khác nhau giữa hai miền nhưng về ý nghĩa thì không thay đổi.
Nhìn chung đây là loại bánh xuất phát từ cây nhà lá vườn, qua bàn tay khéo léo của chị em phụ nữ mà bánh su sê đã đi vào lòng dân tộc, có ý nghĩa trong ngày cưới.
Dù bánh phu thê hai miền có khác nhau, nhưng cùng ý nghĩa và đậm đà tình quê, sâu sắc tinh tế và bản sắc của người Việt Nam. Nếu bánh chưng, bánh dầy tượng trưng cho trời đất thì bánh su sê (phu thê) tượng trưng cho tình vợ chồng.