Sáng sớm đầu tuần trên đường đến cơ quan, lúc dừng xe chờ đèn xanh, chợt nghe thoang thoảng một mùi thơm quyến rũ rất quen thuộc. Nhìn quanh thì mới hay bên cạnh mình có xe khoai mì hấp đang bốc khói nghi ngút. Mùi khoai mì hấp có gì lạ đâu, vậy mà bất chợt ngửi thấy nó trong những ngày cuối năm này, lòng tôi bỗng cồn cào. Bao lâu rồi nhỉ, bao lâu rồi nhà mình không quết bánh phồng mì để ăn Tết?
Có lẽ là khi con cái đứa nào cũng lớn đi học, đi làm xa, Tết trễ trà trễ trật mới về quê; đó là khi đứa có chồng, đứa có vợ bận rộn với chuyện mưu sinh, đợi giáp Tết mới tụ về nhà đông đủ.
Sài Gòn những ngày cuối năm chộn rộn người xe làm lòng tôi cũng chộn rộn nhớ, tôi nhớ những ngày giáp tết thuở xa xưa ở quê nhà, nhớ cái không khí nhà nhà chuẩn bị bánh mứt ăn Tết mà xôm tụ nhất là những ngày quết bánh phồng.
Bánh phồng mì, món ngon ngày Tết của bà con miền Tây. (Nguồn: Internet)
Nguyên liệu để làm món bánh phồng mì chỉ là khoai mì, nước cốt dừa và đường thắng. Tuy đơn giản vậy chứ để có một cái bánh tròn trịa ngon lành, nướng lên nổi phồng vàng rộm, giòn tan công phu lắm!
Cả xóm chỉ mình nhà ngoại tôi là có cái cối đá và chày để quết bánh nên bà con chòm xóm trong làng đều quết bánh nhờ ở nhà ngoại. Mỗi gia đình chọn một ngày, một nhà làm thì cả xóm xúm xít lại “vần công” thiệt là vui. Khoảng đầu tháng chạp là khai trương lò bánh, má tôi luôn tiên phong chọn ngày này .
Chiều hôm trước, mấy má con tôi bơi xuồng qua xóm bên kia sông mua khoai mì, ra vườn giựt vài trái dừa khô đem vô nhà. Gom mọi thứ lại, mấy chị em khệ nệ mang qua nhà ngoại vừa bày ra thì cả xóm xúm lại mỗi người phụ một tay: Kẻ lột dừa, người lột mì ngâm vào thau nước để qua đêm giúp mì không bị chạy chỉ và đen. Vừa làm, mấy dì mấy chị vừa trò chuyện rôm rả rồi kể đủ chuyện tiếu lâm khiến tiếng cười cứ vang lên không dứt.
Để làm bánh phồng phải chọn những củ mì nhiều bột. (Nguồn: Internet)
Khoảng 4 giờ sáng hôm sau má đã dậy qua nhà ngoại lụi hụi nhóm lửa, đổ nước thau mì ra rửa cho sạch rồi cắt mì thành từng khúc xếp vào xửng hấp để làm mẻ bánh đầu tiên. Trong khi đó, bà ngoại và bà tư phụ má nạo dừa, vắt nước cốt dừa, một phần dùng pha với nước đường thắng để nhồi vô khoai mì lúc quết, một phần đem thắng thành dầu dừa để cán bánh.
Khi khoai mì chín tới thơm lừng thì chị em tôi cũng đã thức dậy và tụ tập đông đủ bên nhà ngoại, ngồi quanh chờ má trút xửng mì ra thau. Nhiệm vụ của chúng tôi là lựa bỏ những cọng lõi mì, phần mì bị sơ.
Nói là bỏ vậy thôi chứ làm vậy tội chết, vậy là ngoại chuẩn bị sẵn cho bầy cháu háu ăn dĩa muối mè đậu phộng, củ nào không đạt để làm bánh là bị xử liền tại chỗ. Sáng sớm mùa đông thời tiết ở quê lạnh thấu xương luôn, ngồi cạnh bếp lửa hồng ăn khoai mì nóng chấm muối mè thích ơi là thích.
Quết bánh phồng là công việc nặng nhọc do đàn ông đảm trách. (Nguồn: Internet)
Khi thau mì đã lựa xong đạt tiêu chuẩn để quết bánh, tụi tôi bê ra chiếc cối đá to đùng, một vòng tay người ôm không giáp được đặt bên hông nhà, cùng với thau nước đường pha nước cốt dừa. Sau khi đổ mì vào gần bằng miệng cối, cả đám lại í ới gọi cậu Bảy ra quết bánh. Cậu Bảy dùng cây chày thật to quết hai ba chày thì dừng lại để má dùng tay nhúng vào thau nước đường gom gọn mì hai bên cối cho vào giữa, gọi là cho bột ăn.
Cậu và má người quết và người cho bột ăn thật nhịp nhàng đến khi khoai mì quyện lại thành một khối thật dẻo và mịn màng thì đem ra cán. Lúc khiêng thau bột mì vô nhà để chuẩn bị cán, tôi cũng không quên thò tay véo vài miếng cho vào miệng nhai nhóp nhép. Bột bánh phòng deo dẻo, ngòn ngọt, beo béo lại còn được ăn vụng ta nói nó ngon gì đâu!
Bà ngoại chia bột thành từng viên đều nhau vo tròn để sẵn trên mâm. Dàn “thợ” cán bánh là dì Năm, mợ Mười, mợ Sáu... Mỗi người lấy một viên bột đặt giữa miếng ni lông vuông chừng 3 tấc, dùng ống cán bằng nhựa cắt ngắn khoảng 2 tấc để cán bánh.
(Nguồn: Internet)
Một người không thể làm bánh phồng được mà phải có sự chung tay, giúp sức của nhiều người. (Nguồn: Internet)
Tuy là thợ nghiệp dư nhưng người nào cán cũng thật điêu luyện, vừa cán vừa xoay vòng miếng ni lông để cái bánh tròn vo đều tăm tắp. Mỗi cái bánh cán xong sẽ chuyển cho dì tám đang ngồi bên bộ ván với chiếc chiếu mới toanh được giặt sạch sẽ. Bánh được dán lên chiếu cho đến khi đầy kín thì mang ra sân phơi.
Bánh phơi chừng một nắng sáng là khô, đem vào gỡ bánh ra xếp thành từng xấp, gói kín để dành nướng ăn dần hoặc xé ăn sống cũng rất ngon.
Hồi đó, cả xóm chỉ có nhà tôi có chiếc truyền hình trắng đen, hễ tối thứ bảy bà con tụ tập một nhà chờ coi cải lương. Dù cận tết nhà nào cũng có món bánh phồng mì nhưng tính má tôi rất thảo ăn, bao giờ cũng vậy, trước giờ truyền hình phát sóng là má nhóm lửa đốt một mớ gáo dừa cháy thành than rồi đem một xấp bánh phồng mì ra nướng mời bà con cùng ăn. Đó cũng là lý do má tôi luôn quết bánh phồng sớm hơn mọi người...
Thời gian trôi qua mấy chị em tôi trưởng thành đi học, đi làm rồi lần lượt lập nghiệp phương xa. Má, bà ngoại và những người lớn tuổi trong làng cũng già yếu nên truyền thống quết bánh phồng đón tết không còn nữa. Để có chút hương vị ngày tết, má cũng đặt mua vài xấp bánh phồng mì để trong nhà. Dù bánh bây giờ người ta làm cầu kỳ nhiều lắm như cho sữa bò, mè rang… và được cán rất tinh xảo nhưng tôi ăn không cảm thấy ngọt ngào như những cái bánh chân phương, thô kệch được làm trong sự đoàn kết ấm áp của tình làng nghĩa xóm ngày xưa.