Có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ, vợ mình biết làm mắm tép! Tôi nghĩ như vậy là có căn nguyên chớ không phải vô cớ. Vợ tôi là dân Sài Gòn chính gốc, lại là con nhà khá giả, từ nhỏ tới lớn chẳng biết làm gì ngoài chuyện ăn học. Nàng vốn dĩ chỉ quen ăn những món sang trọng, có xuất xứ rõ ràng; còn mấy thứ dân dã nhà quê, không có nhãn mác lẫn hạn sử dụng - như cách nàng hay nói thì vô phương bắt nàng đụng đũa. Ấy vậy mà trời xui đất khiến thế nào nàng vớ phải tôi, anh chồng có gốc gác nông dân rặt ròi lại nghèo rớt mồng tơi mà thằng bạn học chung lớp hồi đại học, giờ làm quyền trưởng khoa báo chí truyền thông của một trường đại học lớn cứ hay dùng từ “ăn mắm hút giòi” để ám chỉ!
Chính vì cái khoảng cách ấy mà những ngày đầu mới về chung sống, hai đứa cứ hục hặc. Dù vậy, vì mang tiếng sống nhờ bên vợ nên thường thì tôi nhịn. Nhưng có một lần, cuộc hôn nhân của chúng tôi đã suýt đổ vỡ sau 4 năm chung sống. Mọi chuyện bắt đầu từ hủ mắm tép của má tôi.
Năm đó má đã bảy mươi lăm tuổi. Và tôi, thằng con trai út của má cũng đã ngoài ba mươi. Tôi “già đầu” như thế nhưng vẫn được má chăm bẵm. Biết tính ý con, mùa nào thức ấy, má gom góp, cụ bị gởi lên, khi thì mấy con cá lóc cập cững của thằng cháu tát đìa, khi thì nồi cá linh lạc mạ (cá linh non) kho nước dừa, lúc lại là mớ ốc gạo mua lại của mấy đứa trẻ hàng xóm lặn bắt ngoài đầu cồn. Cũng có khi chỉ là mấy trái ớt hiểm hoặc mớ rau cải trời đầu mùa. Đặc biệt, má biết tôi rất thích món mắm tép ăn với đậu rồng nên cứ đến mùa nước nổi, gió chướng liu riu thổi về, dây đậu rồng sau hè trổ bông kết trái, má lại lụi cụi làm mắm tép.
Má tôi nói, người miền Tây bị tiếng oan là làm cái gì cũng ngọt, nhất là mắm. Nhưng người rành ăn món miền Tây thì biết chắc không phải vậy. Chỉ đồ bán ngoài chợ búa, hàng quán, người ta muốn để lâu nên bỏ đường nhiều, còn đồ làm ăn ở nhà thì chỉ cho một chút đường thôi, cốt là để làm dịu vị mặn của mắm.
Mắm tép của má làm là loại tép rong, con chỉ nhỉnh hơn cái tăm nhang một chút nhưng bụng đầy trứng. Những con tép tươi nguyên còn nhảy soi sói mà mấy đứa cháu đi đặt lọp về được má lựa thật sạch, rửa bằng nước mưa rồi để ráo nước. Tôi nhớ hồi nhỏ nghe má hay nói: “Thằng út tỏ mắt, coi lựa dùm má mấy con chôm chôm; không được để sót nghen. Con mà để sót, lỡ ăn trúng thì tiêu chảy re re...”. Nghe má đe như vậy nên tôi lựa rất kỹ. Con chôm chôm nhỏ hơn đầu ngón tay út một chút, dài chừng một phân, có rất nhiều chân. Tôi chẳng thấy nó giống trái chôm chôm tí nào nhưng nghe má bảo vậy thì biết vậy.
Má làm mắm không giống ai. Tỏi, tiêu má lùi trong tro đến khi dậy mùi thơm mới đem ra giã nát; đậu nành má rang vàng đâm nhuyễn làm thính; rồi củ riềng, ớt sừng thái chỉ, đường thắng với nước mắm nhỉ Phú Quốc cho kẹo lại... Tất cả trộn chung với tép, thêm 1 chút rượu trắng để khi mắm chín có màu đỏ tươi thật đẹp. 1 ký tép, má muối với 1 xị nước mắm ngon. Xong đâu đó, má gài mắm vô keo thủy tinh, đem phơi ngoài nắng.
Ở quê nghèo chẳng có gì ăn nên chúng tôi cứ canh me hũ mắm của má. Hôm nào cũng dòm xem nó đã đổi thành màu đỏ tươi chưa. Ngày má khui hũ mắm ra ăn, mùi mắm thơm dậy cả gian bếp. Vị chua chua, ngòn ngọt, cay cay của nó khiến những cái bụng đói thêm cồn cào. Chỉ có mắm tép với đậu rồng, đọt choại, bông súng, rau vườn mà nồi cơm gạo đỏ của má nháy mắt đã hết veo.
Hồi mới cưới vợ, có lần tôi nói với má: “Trên đời này, không có ai làm mắm tép ngon như má”. Má cười móm mém: “Mai mốt má chết rồi, chắc tụi bây nhịn ăn mắm tép luôn!”. Tôi nằn nì: “Má dạy cho vợ con làm đi”. Má tôi lắc đầu: “Vợ mày chỉ biết lo làm ăn kiếm tiền chớ có biết bếp núc đâu mà biểu má dạy?”.
Mùa gió chướng năm đó, thấy mấy dây đậu rồng sà xuống mương, má tiếc nên lội xuống hái. Không may bị trượt chân ngã, phải nằm một chỗ mấy tháng trời. Vậy mà vừa gượng dậy được, má lại lụi cụi lựa tép làm mắm cho tôi. Nghe thằng cháu gọi điện báo tin, tôi vừa mong, vừa thấy thương má đến chảy nước mắt. Thế nhưng, chờ mãi vẫn không thấy mắm tép đâu, tôi hỏi vợ thì nàng sụ mặt: “Gửi lên tới mấy bữa nay rồi nhưng con Tư làm đổ mắm xuống tấm thảm mới, em bực quá nên bắt đổ hết rồi”. Tôi sững sờ: “Em đổ à? Em có biết là má đã cực như thế nào để làm keo mắm đó cho anh không? Em.. em... thật là...”.
Lần đó tôi bỏ về quê ở liền mấy ngày. Không ngờ, đó lại là những ngày sung sướng nhất đời của tôi. Ở bên má, tôi thỏa sức hoài niệm về một thời tuổi thơ gian khó nhưng tuyệt đẹp - một tuổi thơ với những đụn khói đốt đồng bàng bạc trong sương chiều, mùi khen khét của khoai lang nướng vùi trong đám un trâu và cảm giác xon xót của da thịt cọ vào rơm rạ những tối ngủ đồng canh lúa trong mơn man hơi lạnh của gió chướng đầu mùa... Tuổi thơ tôi còn lãng đãng bóng hình một cô bé túm tóc đuôi gà có mùi mồ hôi thật lạ của lá sả, lá chanh quyện trong những nhọc nhằn của con nhà nghèo khó...
Mãi mấy hôm sau khi xuống tìm tôi, bà xã mới thổ lộ: Nếu như không một mình lặn lội về quê, không bỏ dép đi chân trần trên những gốc rạ mới cắt và không ngồi bên nhau trong tiếng rì rào của gió chướng cuối mùa để hít căng lồng ngực mùi hương hòa quyện của khói, của cỏ cây hoa lá và những liếp cày vừa lật lên để cảm nhận được thế nào là nơi chôn nhau cắt rốn của một con người thì mãi mãi nàng sẽ không thể nào hiểu được tôi.
... Má tôi mất vừa tròn năm. Nhiều hơn từng ấy thời gian, tôi không được ăn mắm tép má làm. Một sự hẫng hụt rất lớn trong trái tim mẫn cảm của tôi bởi mất mát ấy không gì có thể bù đắp...
... “Em làm có giống má không anh?” - bà xã kéo tôi về thực tại với tia nhìn chăm chú như thể một cô học trò vừa trả bài xong đang chờ thầy giáo cho điểm. Thật khó diễn tả tâm trạng của tôi lúc đó. Đây có lẽ là một trong những điều bất ngờ lớn nhất mà bà xã dành cho tôi. Nàng đã cố nhớ lại những điều má tôi nói khi còn sống, đã mày mò tìm cho ra cách thức làm món mắm tép ưa thích cho chồng như một cách để nói rằng nàng yêu thương và cảm nhận được những khắc khoải trong lòng đứa con xa mẹ, xa quê...
Cảm ơn em, bà xã...