Nỗi niềm "ăn quần quật" đặc sản "vợ nấu"
Nghe nói ăn thịt bò, hải sản và chuối sẽ giúp chồng "khỏe hơn", chị Mai Anh (29 tuổi, Hà Nội) đã mua "cả tá" về cho chồng ăn. Sáng, chị dậy sớm nấu phở thịt bò vì theo như chị nói thì "nấu ăn sáng ở nhà vừa ngon vừa chất lượng hơn thịt bò ngoài quán".
Buổi trưa, hộp cơm của anh chị mang tới công sở luôn có thịt bò xào, hải sản xào rau củ kèm một quả chuối tráng miệng.
Có hôm chị đổi cách chế biến như mực tẩm bột chiên xù, bò bít tết… Bữa cơm tối là "màn trình diễn" của các món hàu và thịt cá. Hàu đúc trứng, canh hàu, hàu nướng đủ cả. Không chỉ vậy, nghe nói hạt kê gà có tác dụng rất tốt trong "chuyện ấy", chị cũng chi 700.000 đồng mua cả cân hạt kê bỏ tủ lạnh cho chồng ăn dần.
Mong muốn có tin vui, nhiều mẹ hiếm muộn ép mình và chồng ăn cật lực món "dễ thụ thai". Ảnh minh họa.
Công bằng mà nói một tuần đầu tiên, thực đơn này khiến anh Lương vô cùng thích thú vì bản thân anh cũng rất thích ăn thịt bò, hải sản. Nhưng sang đến tuần thứ hai, anh bắt đầu thấy chán. Vợ ép ăn để chóng có "tin vui", "ăn cho con Y nó khỏe", anh đành ăn cho vợ hài lòng nhưng kỳ thực trong lòng vô cùng chán ngán.
Bữa trưa ở văn phòng có thể nhờ đồng nghiệp…ăn hộ, nhưng bữa tối thì không. Thành thử cứ mỗi khi nghĩ đến giờ cơm và ánh mắt của vợ là anh Lương thấy "sợ hãi không hề nhẹ" trước những món "đặc sản" của vợ.
"Bác sĩ ơi, vợ chồng mong con ăn gì?"
Đó là câu hỏi bác sĩ Lê Tiểu My, khoa Phụ Sản, Bệnh viện Mỹ Đức (TP.HCM) rất hay nhận được trong quá trình tư vấn, điều trị cho các gia đình hiếm muộn.
"Bệnh nhân hay hỏi bác sĩ "ăn gì/ kiêng ăn gì?". Tôi cũng không hiểu sao bệnh nhân hay hỏi vậy. Đến giờ, tôi vẫn quan niệm "ăn cân bằng, đừng quá nhiều một loại thực phẩm nào là ổn". Sở thích ăn uống của mỗi người cũng khác nhau. Có người thích ăn miếng nhỏ mà đẹp; có người thích miếng thật to đậm đà... không thể gượng ép.
Nếu bạn đang mong con, nên đi khám hiếm muộn, cùng bác sĩ thảo luận những nguyên nhân có thể và tiến hành điều trị chứ đừng suốt ngày lo chuyện ăn uống", Bác sĩ Lê Tiểu My bày tỏ.
Đúng là trong thời buổi vô sinh, hiếm muộn trở thành vấn đề khiến nhiều gia đình trẻ phải "đau đầu" như hiện nay, lo lắng ăn gì cho dễ thụ thai là chính đáng.
Tuy nhiên, quan điểm của bác sĩ Lê Tiểu My là: "Nếu bạn đang mong con, nên đi khám hiếm muộn, cùng bác sĩ thảo luận những nguyên nhân có thể và tiến hành điều trị chứ đừng suốt ngày căng thẳng, lo lắng ăn uống".
Bên cạnh việc đi khám hiếm muộn, các bố mẹ mong con nên ăn uống cân bằng, trong đó có thể chú ý những dưỡng chất trong khẩu phần ăn như sau.
Acid folic
Folate (dạng tự nhiên của vitamin B9) hoặc Folic acid (dạng tổng hợp của vitamin B9). Chất này có tác dụng tăng cơ hội thụ thai, làm giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh ở trẻ.
Người mẹ có thể sử dụng viên uống bổ sung, rất dễ mua trên thị trường.
Vitamin D
Tác dụng thúc đẩy trưởng thành noãn, gúp đỡ trong quá trình làm tổ của phôi.
Có thể sử dụng chế phẩm chứa vitamin D, rất nhiều loại trên thị trường nhưng cần có ý kiến của bác sĩ.
Carbohydrates
Cả số lượng và chất lượng đều quan trọng trong cân bằng đường và insulin, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động và chức năng của buồng trứng.
Hiện tại người ta thấy rằng chế độ ăn giảm đường, tăng thực phẩm giàu chất xơ, ngũ cốc nguyên hạt là có lợi cho sinh sản.
Protein: thịt, cá và các sản phẩm từ sữa
Hiện các nghiên cứu chưa đủ bằng chứng chứng minh chúng có lợi như thể nào, thịt đỏ hay trắng có lợi hơn nên cứ tuỳ thích, miễn sao cân bằng.
Riêng đậu nành có nhiều bài báo nói có lợi, hoàn toàn không có hại cho phụ nữ mong con nên có thể chọn lựa. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là các mẹ chọn được nguồn thực phẩm sạch bởi các chuyên gia e ngại những thực phẩm ô nhiễm sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên sinh sản.
Nhiều rau quả, trái cây, ít chất béo
Chế độ ăn kiêng được đề nghị là tăng tiêu thụ chất béo chưa bão hoà, nhiều rau, đa sinh tố, đạm thực vật, sữa giàu chất béo, chất sắt, giảm carbohydrates sẽ có lợi. Chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải nhiều rau, trái cây, cá, gia cầm, ít béo và dầu olive cũng tốt.
Mẹ hiếm muộn nên tránh ăn thức ăn chế biến nhanh, ít rau bởi những chế độ ăn này sẽ khiến cơ thể nặng nề, dẫn tới trì hoãn thời gian có thai nhé!