Năm 2018, với một chiếc smartphone trên tay, bạn dường như có thể mua cả thế giới chỉ trong một cú chạm. Cùng với sự phát triển của công nghệ và sự gia tăng mức thu nhập bình quân đầu người hàng năm, Thương mại điện tử trên di động bùng nổ tại Việt Nam và mở ra một "vùng đất hứa" cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
1. Bức tranh "số" phản ánh thị trường Thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam
Việt Nam có dân số hơn 90 triệu người nhưng có đến hơn 130 triệu thuê bao di động. Bình quân, mỗi ngày, một người truy cập internet bằng điện thoại di động khoảng 150 lần, mỗi lần cách nhau 6 phút rưỡi.
Trong khi đó, rất nhiều các thương hiệu điện thoại thông minh với mức giá tương đối rẻ đều chọn Việt Nam là thị trường lớn và tiềm năng của họ. Đây cũng là nguyên nhân góp phần cho TMĐT trên di động phát triển nhanh chóng.
Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam đưa ra trong Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2018, tốc độ tăng trưởng năm 2017 so với năm trước ước tính trên 25%. Năm qua, Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về tỷ lệ chuyển đổi - số phần trăm của số lượt truy cập website có thể dẫn đến mua sắm thành công. Các doanh nghiệp TMĐT tại Việt Nam có tỷ lệ chuyển đổi lên đến 65%, cao nhất trong khu vực, theo sát sau đó là Singapore và Indonesia.
Mua hàng online bằng ứng dụng mua sắm trong những năm gần đây cũng đã không còn xa lạ với người dùng nhờ vào sự ra đời của nhiều ứng dụng được đánh giá cao như Tiki, Shopee, Hago.me, Sendo… Ngoài ra trên thị trường hiện còn có sự tham gia của loạt ứng dụng TMĐT C2C và B2C quốc tế.
Các ứng dụng TMĐT trở nên phổ biến và ngày càng ưa chuộng hẳn nhiên không chỉ bởi vì sự phát triển của thị trường điện thoại di động, mà theo đánh giá của các chuyên gia:
- Về phía doanh nghiệp đây là công cụ hữu hiệu trong việc cắt giảm chi phí, tăng cường các mối liên kết thương mại.
- Về phía người tiêu dùng rõ ràng ứng dụng có giao diện và thao tác sử dụng dễ dàng hơn rất nhiều so với website TMĐT
Hơn nữa mỗi ứng dụng lại có một thế mạnh riêng và mang lại lợi ích đặc trưng cho user của mình, ví như:
- Tiki.vn - ứng dụng dành cho những người thích đọc sách nhưng không có quá nhiều thời gian để đến hiệu sách. 70% doanh thu của Tiki.vn đến từ sách.
- Shopee - ứng dụng dành cho khách hàng ở tỉnh vì thường xuyên có chương trình hỗ trợ phí vận chuyển
- Hago.me – Kênh check giá tốt nhất trên thị trường tại thời điểm bạn quan tâm đến loại sản phẩm nhất định.
2. Tương lai của thị trường ứng dụng TMĐT tại Việt Nam
Cũng theo dự đoán của các chuyên gia thì đến 2020, khoảng 30% dân số tham gia mua sắm online, đạt 350 USD/ người. Theo đó TMĐT trên nền tảng di động sẽ tiếp tục là xu thế chủ đạo trên cả Thế giới và đương nhiên Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi lớn này.
Nguồn: Cục Thương mại điện tử và CNTT
Dự đoán đến năm 2020, tại Việt Nam tầng lớp trung lưu – tầng lớp có đủ khả năng tự chủ trong việc mua sắm - sẽ gấp 3 lần hiện tại. Và gia đình Việt Nam hiện nay đã không còn phổ biến mô thức tập trung nhiều thế hệ nên lớp trẻ thường tự lập sớm hơn xưa, dẫn đến nhu cầu mua sắm cho cá nhân tăng lên.
Đây cũng là thế hệ có thói quen kết nối Internet mọi lúc mọi nơi. Tất cả những yếu tố được liệt kê trên nghiễm nhiên trở thành điều kiện thuận lợi hứa hẹn cho sự tăng trưởng của TMĐT qua ứng dụng di động trong thời gian tới.
Tuy nhiên cũng như mọi vấn đề, luôn luôn tồn tại hai mặt, phát triển TMĐT có những thuận lợi nhìn thấy rõ, nhưng không thoát khỏi những thách thức. Về phía nhà nước đó chính là đòi hỏi cần hoàn thiện hành lang pháp lý, chính sách đầu tư và thu hút đầu tư.
Về phía doanh nghiệp đó là vấn đề về đảm bảo nguồn lực, nguồn vốn, liên tục nâng cao chất lượng dịch vụ bởi vì khách hàng luôn ở thế "vận động", đòi hỏi sản phẩm tốt hơn mỗi ngày, bởi quan niệm "cá lớn nuốt cá bé" nay đã lạc hậu và dần bị thay thế bằng "cá nhanh nuốt cá chậm" khiến cho "người bán hàng" phải luôn trong tâm thế "chạy nước rút" trên cuộc đua kinh doanh khốc liệt.
KẾT:
Thương mại điện tử trên nền tảng di động là xu thế của kinh tế hiện đại. Nên chắc chắn bất cứ ai đều không thể đứng bên lề sự tăng trưởng này. Đặc biệt là về phía người tiêu dùng trong bối cảnh có quá nhiều ứng dụng TMĐT ra đời, thật khó để chọn tin tưởng và sử dụng ứng dụng vừa tiện lợi vừa an toàn.
Làm sao để trở thành khách hàng thông thái và chọn mua được sản phẩm đúng kỳ vọng với giá trị đã bỏ ra, hãy đón đọc kỳ tiếp theo để biết được mọi bí kíp lựa chọn một ứng dụng TMĐT uy tín, chất lượng nhé.