Khi thủy triều rút, trên những rạn đá san hô quanh đảo Lý Sơn ở nhiều khu vực lại trở nên nhộn nhịp với cảnh hàng chục người dân Lý Sơn đi "săn" vẹm (còn gọi là hàu son). Hành trang họ mang theo rất đơn giản chỉ một chiếc liềm bẻ con ở mũi và một cái rổ nhựa hoặc chiếc giỏ nhựa để đựng "chiến lợi phẩm".
Một buổi "săn" vẹm thường bắt đầu từ 13 giờ chiều đến đến tận chiều tà. Công việc này không khó, chỉ cần kinh nghiệm và sự khéo léo. Bởi vậy, hành nghề "săn" vẹm chủ yếu là chị em phụ nữ, số ít nam giới và một vài trẻ em.
Vẹm thuộc loài nhuyễn thể, có ở khắp gành đá san hô quanh đảo. Chúng sống trong lớp cát san hô có rong biển. Vẹm hình bầu dục, lớn hơn ngón tay cái một chút. Theo người dân nơi đây, Việc bắt vẹm thường diễn ra vào những ngày con nước chảy ròng mạnh từ tháng 3 đến tháng 7 dương lịch, khi đó xung quanh đảo gành đá lô nhô lên, việc bắt vẹm mới dễ hơn.
Vẹm chỉ có một mùa, nên giá cả của vẹm tùy vào từng dịp mà lên xuống khác nhau. Bình quân mỗi ký vẹm có giá từ 80.000 đồng/kg- 100.000 đồng/kg. Nếu có sức và siêng thì ngày cũng kiếm được vài trăm ngàn"- chị Phạm Thị Trang ở xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn cho biết.
Sau một buổi mưu sinh vất vả trên bãi rạn, các chị í ới rủ nhau về với "chiến lợi phẩm" là những ký vẹm, ốc hay rong biển tươi ngon...
Vẹm sau khi được bắt về, dùng dao nhỏ, mũi nhọn tách vẹm làm 2 nửa, nạy lấy ruột. Ruột vẹm lớn gần bằng đầu ngón tay út, có màu gạch rất tươi. Vẹm có vị ngọt, mằn mặn xen chút vị beo béo đặc trưng và chế biến được nhiều món ngon khác nhau như: xào, nấu cháo…
Dọc bờ biển đảo Lý Sơn được thiên nhiên ban tặng những rạn san hô với nhiều loại nhiễm thể, tôm cá khác nhau. Không biết từ bao giờ, người dân nơi đây bắt đầu khai thác loại thực vật biển giàu chất dinh dưỡng này, chỉ biết đây là nguồn thu nhập đáng kể của một bộ phận dân đảo tự bao đời nay.