Má lúm đồng tiền tạo nên nét duyên dáng của nhiều người - Ảnh: Alamy
Lúm đồng tiền là vết lõm tự nhiên trên bề mặt da cơ thể người, chủ yếu xuất hiện ở hai bên má hoặc cằm.
Những "sai sót" đáng yêu
Theo trang Science ABC, lúm đồng tiền ở má thực chất là một khuyết điểm nhỏ trên cơ mặt hình thành ngay trong bào thai. Những đồng tiền duyên trên má này thường lộ ra khi khuôn mặt thể hiện cảm xúc, nhất là khi cười.
Bình thường, zygomaticus major là loại cơ ngắn nằm bên dưới má theo đường xéo, "quản lý" nụ cười của con người. Nó kéo phần mép đôi môi ra sau với cường độ mạnh nhẹ khác nhau tạo ra muôn kiểu cười dài ngắn khác nhau.
Cơ Zygomaticus major (màu đỏ) đóng vai trò quan trọng tạo nên nụ cười - Ảnh: Sobotta
Trong giai đoạn phát triển bào thai, mô liên kết trên gương mặt ở một số người mắc phải một số sai sót làm cho cơ zygomaticus major bị chia làm 2 phần rõ rệt. Một phần cơ nằm ở trên và một nằm dưới và để lại một lỗ khuyết chính giữa.
Tất nhiên chúng ta không thấy được phần khuyến này những lúc bình thường do đã có lớp da mặt che đậy. Chỉ khi cười, 2 bó cơ cử động mạnh để lộ phần "khiếm khuyết" lõm sâu trên gương mặt. Đó chính là má lúm đồng tiền.
Ngược lại, lúm đồng tiền ở cằm (cằm chẻ) là một đường hằn nhỏ nằm trên cằm. Lúm này có thể thấy được ngay cả khi khuôn mặt không có biểu cảm và hoàn toàn không liên quan đến cơ mặt.
Các nhà khoa học cho rằng cằm chẻ là kết quả của sự kết hợp chưa hoàn chỉnh của 2 phần trái, phải của xương hàm dưới, làm xuất hiện 2 đỉnh tách biệt nhau bởi một rãnh nhỏ.
Điểm giống nhau giữa lúm đồng tiền ở má và ở cằm chính là đều hình thành trong quá trình phôi thai.
Có di truyền hay không?
Diễn viên Jennifer Garner và Matthew McConaughey sở hữu má lúm đồng tiền “mê hoặc” - Ảnh: Touchstone Pictures
Từ trước đến nay các nhà khoa học thường tin rằng nếu một trong hai vợ chồng sở hữu lúm đồng tiền thì khi sinh em bé sẽ có 25-50% khả năng thừa hưởng lúm đồng tiền. Nếu cả cha và mẹ đều có lúm đồng tiền thì tỉ lệ đó là 50-100%.
Các nhà khoa học cho rằng đây là một yếu tố di truyền do tính trạng trội, tuy nhiên GS John McDonald từ ĐH Manchester (Anh) cho rằng không đủ bằng chứng để cho thấy lúm đồng tiền là tính trạng trội.
Ông cho rằng không ít trường hợp cả cha mẹ có lúm đồng tiền nhưng con lại không có và ngược lại. Trên thực tế, chỉ có 20% số người may mắn được tạo hóa ban tặng má lúm đồng tiền. Tỉ lệ có nam và nữ có lúm đồng tiền gần như bằng nhau.
Ngoài ra, lúm đồng tiền chưa chắc tồn tại mãi mãi trong suốt cuộc đời. Một số người có má lúm đồng tiền khi còn nhỏ nhưng lớn lên lại không còn nữa. Nguyên nhân có thể do 2 phần cơ zygomaticus major dài ra theo thời gian làm nhỏ dần khoảng hở giữa chúng.
Lúm đồng tiền để làm gì?
Trẻ em có má lúm đồng tiền thật đáng yêu - Ảnh: iStockphoto
Một câu hỏi được đặt ra là lúm đồng tiền có lợi ích gì hay không mà vẫn được giữ lại trong quá trình tiến hóa hàng triệu năm của con người?
Một nghiên cứu năm 2008 đăng trên tạp chí American Journal of Physical Anthropology cho biết má lúm đồng tiền là một dạng tiến hóa giúp con người có thể giao tiếp thông qua gương mặt tốt hơn.
Rõ ràng những người có má lúm đồng tiền thường rất dễ thương và tạo được thiện cảm với người khác khi giao tiếp. Điều này xét về mặt di truyền cũng giúp đảm bảo cho động vật khả năng duy trì nòi giống cao hơn.
Ngoài ra, lúm đồng ở trẻ em tạo nên nét đáng yêu và cuốn hút hơn với người lớn, nhất là với cha mẹ, từ đó có thể là một yếu tố "bắt" cha mẹ yêu thương con cái nhiều hơn và nuôi nấng con cái tốt hơn.
Dưới góc độ khoa học, điều này đồng nghĩa với việc tăng khả năng sốt sóng và phát triển của động vật ngay từ khi mới chào đời.