Cậu út điện thoại khoe vừa mua được con heo mọi của thằng Nghĩa ở xóm trên, dự định đến ngày giỗ ngoại sẽ làm thịt trước cúng ngoại, sau đãi con cháu họ hàng, rồi căn dặn tôi bữa đó sắp xếp về trước một ngày ăn cháo lòng. Nghe cậu nhắc đến món cháo lòng bữa ăn tiên thường (trước ngày giỗ chính) lòng tôi chợt nôn nao.
Các loại tim, gan, phèo, phổi, lưỡi heo... sau khi nguội vớt từ trong thau ra cắt thành bản to và mỏng bày ra dĩa
Ngày trước ở quê tôi đám giỗ linh đình lắm, phải cúng hai ngày, chiều hôm trước ngày chính giỗ, con cháu, bà con lối xóm tụ tập lại một nhà. Cánh đàn bà con gái túm tụm lại gói bánh ít, bánh tét, hấp bánh bò… Còn cánh đàn ông ra sau bờ sông giết mổ heo, gà, vịt để các dì, mợ chế biến cho ngày chính giỗ. Ôi thôi kể sao cho hết, nào là nem chua, bì đầu, pa tê, chả đùm, giò heo hon, vịt tiềm, gà quay…. Có một điều trở thành thông lệ rất thú vị, đó là cứ đám giỗ nào có làm heo là mâm cúng tiên thường bao giờ cũng có món cháo lòng.
Cháo lòng là một món ăn khá phổ biến trong ẩm thực Việt Nam, muốn tìm một hàng quán bán món cháo lòng không khó, dọc các con đường, đầu hẻm đâu đâu cũng có từ nồi cháo lòng bình dị đến cao cấp . Đây là món ăn kết hợp giữa nước luộc bộ lòng heo và các nguyên liệu không thể thiếu trong nồi cháo là các món phủ tạng và huyết heo.
Cũng vì lẽ đó, món cháo lòng được bà con ở quê hay nấu mỗi khi có làm heo để tận dụng bộ phủ tạng heo tươi ngon, huyết heo sạch sẽ cũng như giải quyết các loại thịt bầy nhầy khi chế biến món ăn còn dư lại. Bởi vậy nồi cháo lòng "hằm bà lằng" kiểu này nước ngọt lừ rất ngon.
Cháo lòng "hằm bà lằng" ngon tuyệt
Món cháo lòng khá đơn giản, bất cứ ai cũng có thể nấu được nhưng muốn ngon cần để ý một chút. Đó là chọn gạo mới để có độ dẻo và canh nước sao cho nồi cháo không quá đặc hoặc quá loãng.
Đầu tiên, các bộ phận heo như tim, gan, phèo non, phổi, lưỡi heo, lách… chà rửa nước muối cho thật sạch. Bắc nồi nước đun sôi cho chút muối và vài củ hành tím nướng đập dập vào rồi thả tất cả vào luộc, đến khi vừa chín tới thì vớt ra ngâm vào thau nước lạnh để không bị đen.
Các loại thịt vụn cũng được băm nhỏ, ướp gia vị rồi cho vào nồi nước luộc. Gạo được vo sạch, rang vàng cho vào nồi, hạ lửa liu riu.
Khi gạo nở bung, chín nhừ thêm các gia vị muối, đường, bột ngọt, đầu hành lá vào nêm nếm cho vừa miệng là tắt bếp.
Múc cháo vào tô rắc hành ngò cắt nhỏ, vài cọng gừng cắt sợi cùng chút tiêu xay và ớt bằm. Huyết heo sau khi luộc để nguội cắt miếng vừa ăn, các loại tim, gan, phèo, phổi, lá lách, cổ họng, lưỡi heo sau khi nguội vớt từ trong thau ra cắt thành bản to và mỏng rồi bày ra dĩa dọn ra bàn cùng với dĩa rau thơm, giá sống kèm chén nước mắm tỏi ớt .
Tôi nhớ ngày trước có những lần vì bận làm quá nhiều món, mãi đến chạng vạng tối mới được ăn mâm tiên thường. Bụng ai cũng cồn cào vì đói mà gặp phải lúc trời giông tố rồi đổ mưa xối xả, bà con lối xóm xúm xít với nhau bên chiếc bàn ngoài chái bếp mặc cho mưa tạt, gió lùa cùng húp miếng cháo lòng nóng hổi, cháo lan tỏa đến đâu cảm thấy ấm áp đến đó.
Khi cái bụng tạm bớt biểu tình thì gắp miếng phèo non kẹp chút rau thơm chấm vào chén nước mắm tỏi ớt đặc sệt, nhai nhẩn nha cảm nhận cái beo béo, giòn giòn hòa với mùi thơm nồng các loại rau, chút chua ngọt mằn mặn cay xé của nước mắm, tất cả hòa quyện nhau ăn mãi quên thôi.
Ngày nay không những ở thành thị mà ngay cả nông thôn ngày giỗ cũng rất đơn giản vì ai cũng bận rộn. Vậy nên đám giỗ làm heo như ngày xưa rất hiếm. Chắc cũng gần 20 năm tôi chưa được ăn tô cháo lòng trong không gian thôn dã ấm áp tình bà con lối xóm như vậy. Vì vậy, nghe cậu út nhắc cháo lòng hằm bà lằng lại nhớ da diết, cứ mong nhanh đến ngày giỗ để về quê ôn lại kỷ niệm xưa.