Kim Chi ở với bà nội và bố từ khi còn bé. Bé là hồi nào Chi cũng không biết. Bố Chi chạy xe ôm, người nhỏ thó đen đủi, rất hiền lành ít nói nhưng chiều nào về ông cũng say xỉn ngất ngư. Nhưng cho dù say đến mấy, bố vẫn không bao giờ quên mua về cho Chi khi thì một cái bánh, lúc một trái chuối chiên.
Bà nội Chi thì khác. Suốt ngày bà chửi rủa nó toàn những câu thậm tệ. Trong đó có một câu không bao giờ bà quên: "Nuôi mày uổng công, lớn lên mày cũng giống con gái mẹ mày thôi".
Chi mười lăm tuổi, bố nó chết vì tai nạn giao thông. Chi tự kiếm sống và nuôi bà nội. Bà nội nó càng ngày càng yếu, bà không còn nhắc lại câu "… mai mốt lớn mày cũng giống con gái mẹ mày". Chi cũng không còn thắc mắc tại sao bà nội chửi vậy.
Nhưng ở đời lạ lắm, khi Chi không còn quan tâm tìm hiểu nữa cũng là lúc tự nhiên nó biết được sự thật. Câu chuyện kể lại từ bà hàng xóm rằng: "Hồi đó bố mày dắt mẹ mày về chứ có cưới hỏi gì đâu. Bà nội mày phản đối kịch liệt vì mẹ mày là... tao nói mày đừng buồn nghe,là… gái bia ôm. Bị bà nội mày hành hạ mắng chửi nhiều quá, đẻ mày xong, nó đi luôn".
Câu chuyện thật giả đến đâu Chi cũng không biết nhưng cứa vào lòng Chi một vết thương sâu hoắm.
Mười chín tuổi Chi biết yêu lần đầu. Nó thành thật kể cho người ấy nghe về hoàn cảnh của nó. Anh ta lặng lẽ rút lui.
Rồi Chi gặp chồng cô bây giờ, rút kinh nghiệm lần trước, Chi không kể. Vậy mà nhà chồng Chi cũng biết. Gần ngày cưới, Chi bị từ hôn vì nhà chồng cô "mua heo chọn nái, mua gái chọn dòng". Họ nói rằng: "con nhà tông không giống lông cũng giống cánh".
Có phải: "Đàn bà đáy thắt lưng ong/Đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con"?
Chi ngồi mân mê cái áo dài cưới in hình đôi loan phụng vừa kể chuyện vừa khóc, nước mắt chạy quanh khuôn mặt buồn hiu. Tôi làm công việc này đã nhiều năm rồi nhưng lần nào nghe nhân vật kể lại câu chuyện đời của họ, tôi cũng có cảm giác thắt thẻo ruột gan.
"Mua heo chọn nái mua gái chọn dòng" là quan điểm có từ lâu đời trong dân gian về cách chọn dâu. Đặc trưng cơ bản của văn hóa làng xã Việt Nam là tính cộng đồng. Chuyện cưới dâu không chỉ mang tính riêng tư của một cá nhân mà nó còn được xem là "đặc quyền, đặc lợi" của cả một dòng tộc.
Họ đặc biệt "soi mói" vào hai tiêu chuẩn chủ đạo. Đó là gen sinh học (giống) biểu hiện trên cơ thể cô gái và gen văn hóa (tông) biểu hiện qua cái người đẻ ra cô gái đó.
Về gen sinh học, họ xem con dâu là công cụ để duy trì nòi giống. Chính vì lẽ đó, khi chọn dâu, đặc biệt quan tâm đến khả năng sinh đẻ được biểu hiện qua cơ thể cô gái như đáy thắt lưng ong, mông to, ngực nở…
Về gen văn hóa, nền nếp gia đình rất được coi trọng. Họ tin rằng "Rau nào sâu nấy", cho nên "lấy con xem nạ (mẹ)…".
Quan điểm đó đã một thời bền bỉ làm "pháo đài" che chắn cho mọi sự du nhập, tiếp thu tiến bộ văn minh bên ngoài lũy tre làng.
"Con đàn cháu đống" ngày nay là gánh nặng dân số đè lên toàn xã hội
Tiếc thay, ngày nay cái quan niệm cũ xa, xưa lơ xưa lắc ấy vẫn còn rải rác làm khốn đốn không ít đôi lứa yêu nhau. Thời gian "ruộng cả biến nương dâu, vật đổi sao dời", xã hội mỗi thời mỗi khác. Con cái trưởng thành có khi lập nghiệp xa nhà hàng ngàn cây số, cả đời về thăm cha mẹ chưa đếm hết số ngón tay, có ảnh hưởng hay noi gương gì cũng khó. Không kể tình trạng ly hôn ở xã hội ta hiện nay mỗi ngày gia tăng con số chóng mặt. Không lẽ ai có mẹ cha ly hôn, nhiều chồng, nhiều vợ cũng đều "nòi nào giống nấy" hết sao?
Tương tự, quan điểm "con đàn cháu đống" là phúc khí của gia đình, "cây độc không trái, gái độc không con", trở thành cô quả là nỗi ám ảnh của bất kể người phụ nữ ngày xưa nào khi về làm dâu. Chỉ xét về việc này thôi cũng thấy quan điểm trên rất lỗi thời. Đông con, đông cháu ngày nay là gánh nặng dân số đè lên kinh tế, xã hội, môi trường, là nỗi ám ảnh của nhân loại trên toàn thế giới.
Đừng để quan niệm: "Mua heo chọn nái, mua gái chọn dòng" chi phối và ảnh hưởng đến các cuộc hôn nhân của nhiều bạn trẻ
Để các đôi lứa yêu nhau ngày nay không phải rơi vào hoàn cảnh bất hạnh không đáng có như Kim Chi, để các cặp đôi có được một tình yêu trong sáng, một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, thiết nghĩ, chúng ta (nhất là các chàng trai, hãy mạnh mẽ "đấu tranh"), nên thay đổi những nhận thức không còn phù hợp, những quan niệm đã khác xa với kiểu xã hội, gia đình truyền thống ngày trước, trong đó có việc "Mua heo chọn nái, mua gái chọn dòng".