Tôi học đại học năm thứ ba thì thầm khoe với má tôi có bồ. Má kinh sợ nhìn tôi, rít qua kẽ răng: "Trời đất ơi, má dặn rồi, đừng có bồ bịch gì hết, sao con không nghe? Ba mày biết được, ổng giết. Cuộc đời đau khổ của má, con không sợ sao mà còn bắt chước hả con?". Giọng má nghẹn ngào khiến tôi khóc theo.
Cuộc đời đau khổ của má, sao tôi lại không biết. Hồi trẻ, ba má thương nhau nhưng không được ông bà nội chấp nhận, vì ông bà đã nhắm cho ba chỗ khác môn đăng hộ đối hơn. Ba vì thương má, quyết đòi cưới bằng được.
Rồi má có bầu. Ở quê, gái không chồng mà chửa là chuyện động trời. Ông bà nội sợ tiếng ác, bấm bụng để má về nhà bằng buổi lễ phạt, không có rước dâu, còn phải đi cửa bếp vô nhà. Ông bà ngoại mất mặt, từ luôn má.
Bà nội không ưa má, nên dằn hắt xỏ xiên. Ba vì tội cãi cha mẹ nên không được dự phần vào những việc quan trọng trong gia đình. Ông bà nội chia đất, các chú mỗi người được vài công, ba chỉ được vài mét đất đủ để cất nhà.
Ba buồn bực, giận lây sang má. Chỉ cần canh hơi mặn, cá kho quá lửa, hay chị em tôi té u đầu, đều là cớ để ba gầm lên "đàn bà hư". Má gục mặt không dám ngẩng lên. Má gục mặt cả khi ra đường, cả khi nhà nội có đám. Người ta chỉ nhớ tới má khi nhà hết củi, bầy heo đói kêu eng éc mà chưa có người cho ăn, hoặc khi ông bà nội đau ốm, cần người đưa đi bác sĩ, nấu lá xông, xoa bóp…
Cả đời mẹ vất vả, khổ sở, nguyên do cũng từ lỗi ăn cơm trước kẻng. Ảnh minh họa
Cuộc sống đói nghèo khiến ba má vắt hết sức mình vào cuộc mưu sinh. Tối mò, ba má bước thấp bước cao về nhà, ngang qua nhà nội, nhà các chú, thấy cảnh cả nhà quây quần, ba má bước mau mau.
Hồi nhỏ, nhìn những người em họ no đủ sung sướng, tôi không hiểu sao tụi nó đủ đầy còn nhà mình nghèo vậy. Tôi đoán rằng lỗi tại má. Tôi giận lây cả má. Ba tôi mỗi lần nhậu say, thường lè nhè: "Thứ đàn bà hư. Tại bà mà đời tôi khốn khổ thế này, ra đường không dám nhìn ai". Tôi càng tin chắc má đã gây ra lỗi lầm lớn.
Giờ nghĩ lại, thương má biết bao. Tại sao chỉ mình má chịu trách nhiệm, gánh lấy bao nhiêu nguyền rủa? Hay phận đàn bà phải chịu bất công?
Chị hai tôi mười tám tuổi, ba tìm mối gả chồng cho chị. Chị khóc vì muốn ở nhà vài năm nữa. Ba gầm lên: "Có con gái như hũ mắm treo đầu giàn. Không gả, để học hư giống má mày, tao còn mặt mũi nào?".
Vết thương trong lòng má chưa bao giờ kín miệng. Má xót chị nhưng đành câm lặng. Anh hai đi coi mắt chị rồi cưới. Từ lúc coi mắt tới lúc cưới chỉ năm tháng, chị gặp mặt anh đúng bốn lần. Ngày chị lên xe hoa, nước mắt như mưa. Đám cưới chị mà mấy đứa em khóc như đưa đám. Chị không kịp tìm hiểu, không kịp yêu chồng, mọi thứ ào tới khiến chị không thể thích ứng. Mà, anh hai không hiền lành như cái cười thường trực trên môi. Anh hà khắc với chị vì sợ chị lạc lòng. Cuộc đời chị lặp lại khổ đau y chang má. Má và chị đều là nạn nhân đau khổ của thành kiến và lạc hậu.
Ngày đưa tôi lên Sài Gòn nhập học, má dặn đi dặn lại: "Ráng lo học, không được có bồ. Ba mày biết được, ổng giết". Nhưng chuyện tình cảm, sao có thể ngăn được. Tôi yêu trong tâm thế hoài nghi, lo sợ phập phồng. Tôi phải giữ mình, tôi không để sẩy chân giống má...
Ba tôi trong từng ấy năm oán hận má, chắc cũng chẳng sung sướng gì. Tôi biết vậy, vì sau này thấy ba không còn dằn hắt má nữa. Chứng kiến chị hai tôi khổ sở mắc kẹt giữa tình thương, bổn phận và định kiến, ba ngậm ngùi nói với chị: "Con ở không nổi với thằng hai thì về nhà. Nhà mình nghèo nhưng cưu mang nổi mấy mẹ con con". Gọi cho tôi, chị khóc: "Thì ra ba thương chị, ba không ghét bỏ chị". Tôi khóc theo chị, xót xa.
Nửa năm sau ngày đi làm, tôi lấy hết can đảm nói với ba: "Con có người yêu rồi, muốn đưa về ra mắt ba má". Ba tôi im lặng giây lâu - phút im lặng với tôi dài hơn thế kỷ. Mãi ba mới nói: "Con đưa nó về nhà ba coi. Nhà nó đàng hoàng thì ba gả". Tôi chảy nước mắt, mừng vì ba đã buông được gánh nặng bấy lâu. Đoạn đường ở phía trước, hẳn từ nay trời quang mây tạnh.