Cuối cùng trời cũng hửng nắng, kết thúc đợt rét đậm, rét hại. Đúng vào ngày chủ nhật nên Thanh Tâm quyết định cho đám chăn màn ra "tắm nắng". Vừa gom chúng lại, chưa kịp bê xuống nhà, thì có điện thoại. Đầu dây bên kia là một giọng nữ trẻ, muốn tâm sự chuyện gia đình.
Vợ chồng cô là trí thức, bố mẹ hai bên đều là cán bộ. Xét về mọi mặt, đôi bên rất môn đăng hộ đối. Tưởng rằng với những nền tảng thuận lợi như thế thì gia đình cô sẽ hạnh phúc, nhưng không phải vậy. Tất cả bắt nguồn từ mâu thuẫn của cô với bố mẹ chồng.
Ông bà vốn ác cảm với cô ngay từ ngày cô về ra mắt. Họ không hài lòng khi cô con dâu tương lai có đôi gò má cao vút, miệng rộng, nói năng tự nhiên không khuôn phép, nữ công gia chánh chẳng thạo. Họ càng có cớ để ghét cô hơn khi năm thứ ba đại học, cậu con trai duy nhất nằng nặc đòi bố mẹ phải tổ chức đám cưới vì trót làm bạn gái có bầu, khiến họ mất mặt.
Biết nhà chồng không ưa mình nên cô luôn chủ động tránh mặt. Những ngày bầu bí, cô viện cớ nhà chồng xa hơn nhà đẻ nên được nghỉ học là cô về nhà mình. Sinh xong, cô thuê xe chở hai mẹ con về thẳng nhà ngoại. Bố mẹ chồng dăm lần, bảy lượt nhắn cô cho con về nhà nội, cô cũng làm thinh. Chồng giục giã thì cô ngấm nguẩy bảo, hãy để cô ở nơi cô cảm thấy vui vẻ không cô sẽ mắc hội chứng trầm cảm sau sinh. Khi con lớn hơn, cô vẫn rất hiếm khi cho con về quê nội.
Những dịp bắt buộc phải về quê chồng, y rằng có chuyện. Bố mẹ chồng góp ý chuyện gì, cô đều đáp lời ngay tức khắc. Chồng khuyên cô nhẫn nhịn thì cô cho rằng anh bênh bố mẹ. Rời nhà chồng lần nào, vợ chồng cô cũng chiến tranh. Cô luôn tìm những lời cay độc để nói về bố mẹ chồng. Không những thế, cô còn tiêm nhiễm vào đầu con những ý nghĩ không hay về ông bà nội. Chồng cô thấy vậy càng bức xúc. Đôi bên xỉ vả, chê bai, moi móc khuyết điểm của nhau, của nhà chồng, nhà vợ cho hả hê. Ngôi nhà nhỏ trở thành chiến trường. Nơi hai con người lẽ ra phải dung hòa, chấp nhận nhau trở nên đối kháng, chiến đấu từng ngày không khoan nhượng. Sau mỗi lần như thế, cô lại ôm mặt khóc nức nở. Rất lâu rồi, vợ chồng cô chưa nói được với nhau lời nào tử tế. Những âu yếm cứ thưa dần rồi mất hẳn. Nhiều lúc cô thấy tội cho chồng. Muốn quan tâm chăm sóc nhưng nghĩ tới bố mẹ anh, cô lại thôi. Cô không thể tách chồng ra khỏi mối thù hằn với bố mẹ anh. Cô gái nói với Thanh Tâm rằng, cô lo sợ tình trạng này kéo dài sẽ giết chết những yêu thương của hai con người đã từng bất chấp tất cả để đến với nhau.
Thanh Tâm mừng vì cô cảm thấy lo sợ, tức là cuộc hôn nhân của cô còn có cơ hội cứu vãn. Thanh Tâm hỏi về tình cảm, thái độ của chồng đối với bố mẹ cô. Đã bao giờ cô hỏi bố mẹ cô mong muốn có con dâu, con rể thế nào? Thanh Tâm cũng hỏi sau khi cô về làm dâu rồi, bố mẹ chồng cô đối xử với cô thế nào? Hiện nay cô và chồng đã tốt nghiệp đại học chưa, có công ăn việc làm chưa? Vợ chồng có sẽ sống cùng bố mẹ chồng dài lâu hay có kế hoạch sống riêng? Cứ sau mỗi câu hỏi của Thanh Tâm, cô như giảm bớt nỗi buồn bực trong người, bắt đầu nghĩ đến bố mẹ chồng. Vấn đề của cô là đã không vượt được sự phản đối đầu tiên của bố mẹ chồng, đẩy mối quan hệ với bố mẹ chồng vào tình trạng xấu, vô tình đẩy cả mối quan hệ với chồng trở nên căng thẳng. Sau một hồi trò chuyện, cô gái hứa sẽ dẹp bỏ cái tôi quá cao của mình, nhẫn nhịn và khéo léo hơn để hóa giải mọi mâu thuẫn.
Cuộc điện thoại dứt, Thanh Tâm vội quay sang đám chăn màn, nhưng chúng... đã biến mất. Thì ra ông xã Thanh Tâm thấy vợ bận tư vấn, liền bước khẽ vào phòng, lấy đám chăn màn đi giặt giũ, phơi nắng từ lâu.