Chén mắm khô queo. Loại mắm này của người miền Trung, làm từ mấy lát dưa leo tươi dầm với mắm cá cơm. Dưa leo trong chén của mẹ nhìn không còn nhận ra màu sắc của một loại rau trái.
Bàn ăn chỉ có ba người mà ê hề thịt cá. Mẹ ngồi trớ sang một bên, để chén mắm lệch về phía mình rồi vừa ăn vừa rôm rả nói chuyện. Con dâu không tập trung nổi vào mấy câu chuyện mẹ kể. Mẹ vừa ngừng giữa câu chuyện, con dâu liền nói: "Mẹ, mẹ ăn đồ ăn mới đi! Chén mắm dưa đó hơn tuần rồi đó". Mẹ vội kéo chén mắm về gần mình hơn như sợ… bị giật mất, miệng nói lí nhí: "Để ăn cho hết đã chứ".
Thường góc bếp sẽ từ đó mà lời qua tiếng lại. Cô con dâu mềm mỏng hơn, sẽ kiên nhẫn phân tích cho mẹ tác hại của việc ăn đồ ăn cũ, rồi dỗ dành mẹ ăn những món còn nóng hổi trên bàn. Còn anh con ruột của mẹ chắc cậy là... con ruột nên hay bài xích thẳng thừng. Mẹ bị đả kích suốt chỉ vì chuyện ăn uống. Nhưng, chỉ khi ở cùng góc bếp này, ăn chung những bữa cơm này vài ngày, người ta mới hiểu hết những cái kỳ quặc trong tập tính bếp núc của mẹ.
Ảnh minh họa
Mẹ không bao giờ đổ thức ăn thừa. Lý do: đổ đồ ăn là… "mang tội". Một món cá kho mặn thường ăn trong một, hai bữa. Nhưng lỡ cả nhà ăn dư một chút, mẹ sẽ gom vào cái tộ đất nhỏ hơn, để tiếp tục ăn vào bữa tiếp theo. Món ăn đã cũ lại mặn chát. Thành ra, một phần ăn có thể phải chia ra ăn trong ba, bốn bữa. Có bữa chỉ dư một miếng thịt kho chừng nửa bàn tay, mà đến tận ba ngày sau, các con vẫn thấy mẹ miệt mài "ăn kẻo uổng".
Hôm nọ, đứa cháu họ nghe nói mẹ lên thành phố chơi nên đưa vợ con sang thăm. Mẹ hào hứng chỉ đạo con cháu nấu nướng, bày biện trên bàn ăn toàn là đặc sản quê nhà. Vậy mà khi cả nhà cùng quây quần bên những thức ăn nóng hổi, mẹ lại lật đật lấy trong tủ lạnh ra bịch bún tươi với chén cá kho hôm trước, nói: "Cái này mà không ăn ngay khéo hỏng mất".
Con cháu thi nhau mời mọc. Nhưng càng thuyết phục, không khí chỉ càng gượng gạo vì mẹ kiên quyết "phải ăn cho hết". Chẳng đứa con cháu nào trả lời nổi câu hỏi hết sức nghiêm túc của mẹ: "Chẳng lẽ bỏ đi à?".
Chứng kiến mẹ cứ ăn đồ cũ, con cái vừa xót, vừa giận. Bữa ăn nào cũng không trọn vẹn. Thuyết phục mẹ đủ đường vẫn không thành, con trai bàn với vợ đến cuối ngày là đổ hết thức ăn thừa. Hai vợ chồng nói là làm. Ngay sáng hôm sau, mở tủ lạnh thấy thố đồ ăn tối qua không còn, mẹ lẳng lặng cùng các con ăn một bữa sáng đúng nghĩa. Cô con dâu vừa áy náy, vừa thấy yên dạ vì đã giải quyết một vấn đề nan giải cho sức khỏe của mẹ.
Được vài hôm, bỗng nhiên, một buổi tối muộn hai vợ chồng nghe tiếng mẹ gõ cửa phòng, hỏi xin chút dầu gió. Nhà không có dầu gió. Linh cảm chuyện chẳng lành, con dâu chạy theo xuống phòng, hỏi dồn xem mẹ đau ở đâu. Mẹ gạt đi, nói: "Chỉ nhức mỏi thường thường".
Đêm, con dâu vẫn nằm thao thức vì cái điệu "nhức mỏi thường thường" của mẹ. Y như rằng, 12g đêm, mẹ lại lên phòng gõ cửa, thoi thóp nói: "Mẹ không ổn rồi, chắc phải đi cấp cứu". Hai vợ chồng lật đật đưa mẹ vào viện. Mẹ đau quặn ở vùng bụng. Hỏi kỹ hơn, mẹ chỉ nói: "Đau dữ, chịu không thấu".
Bác sĩ kiểm tra không phát hiện dấu hiệu viêm ruột thừa. Trước lúc được chỉ định siêu âm, mẹ khai: "Tối nay tui ăn hơi nhiều, no lắm, rồi nó từ từ chuyển thành đau". Hai đứa con đứng hình. Bác sĩ chẩn đoán mẹ bị rối loạn nhu động ruột, kê ít thuốc rồi cho về.
Ảnh minh họa |
Đứa con trai vò đầu bứt tai. Cái nguy cơ anh dọa mẹ trước đó về việc ăn đồ cũ, ăn quá no giờ đã thành hiện thực. Mấy hôm nay nhà không có đồ ăn cũ. Nhưng mỗi bữa cơm nấu ra dăm ba món kiểu gì cũng có chút thức ăn dư. Hễ bữa nào dôi ra bát canh, con cá, mẹ lại "ráng ăn kẻo đổ" rồi đêm nào cũng xoa bụng nói: "No quá sao ngủ hè?". |
Đêm nay, mẹ no quá nên cả nhà mất ngủ. Lúc ba mẹ con về đến nhà thì trời đã rạng sáng. Đứa con trai đưa mẹ về phòng rồi còn nói như dỗi: "Mẹ đó, các con góp ý mẹ không tiếp thu rồi sinh bệnh". Mẹ im lặng kiểu cũng xuôi xuôi. Nhưng hai con vừa rời đi, mẹ lại lẩm bẩm nói với theo: "Chứ đồ ăn mà, hổng lẽ bưng đổ…".