Chị gặp con bé trong một lần theo Hội Phụ nữ đến nhà tình thương. Con bé ngồi một mình trên băng ghế đá kê dưới gốc bàng, hai chân nó đong đưa khiến một chiếc dép rớt khỏi chân. Chiếc dép khiến chị chú ý bởi vì quá to và rất mới.
Cô bảo mẫu giải thích: "Hôm qua có tiệm giày dép xả kho đem tới một bao toàn cỡ lớn, mà ở đây đứa có đứa không sẽ sinh chuyện khóc lóc phân bì…". Con bé leo xuống ghế, chị tưởng nó sẽ xỏ chân vô chiếc dép. Nhưng không, nó cầm chiếc dép lên và ôm vào lòng.
Một người trong đoàn cười vui: "Ờ, con nít có cái gì mới là nâng niu cất giữ ghê lắm, hồi nhỏ mình cũng vậy". Cô bảo mẫu kêu lên: "Sao con không chào các cô, các bác?". Con bé chớp chớp đôi mắt buồn nhìn quanh với vẻ e dè, và lí nhí thốt câu chào.
Ảnh minh họa
Khi đoàn ra về, ngang qua băng ghế, chị lại nhìn thấy một cảnh nao lòng: con bé ngồi co hai chân lên ghế, và chiếc dép thì đặt trên đùi. Mái tóc bum bê rủ xòa che kín mặt mũi vì cái đầu cúi xuống thật thấp, con bé vỗ vỗ vào chiếc dép và ru à ơi: "Em ngủ ngoan thì chị thương nhiều…".
*
Hôm sau, chị trở lại nhà tình thương với một mớ búp bê. Thấy đôi mắt con bé háo hức ngắm con búp bê biết hát mặc áo đầm hồng, chị những muốn đặt con búp bê vào tay con bé, nhưng để công bằng, chị đành đứng yên chờ cô bảo mẫu phân phát quà. Con bé ngẩn ngơ tiếc rẻ nhìn theo búp bê áo đầm hồng được trao cho một bạn khác. Giây phút đó, chị quyết định những gì bé thích sẽ được toại nguyện.
*
Hành trình xin con nuôi khá rắc rối, chị phải ký vào đủ thứ giấy tờ cam kết, cuối cùng hai má con cũng về với nhau. Những ngày đầu, hội phụ nữ tới chơi hỏi: "Má có nhà không con?", con bé trả lời trỏng: "Có". Mọi người thì thầm: "Không được dạy dỗ chu đáo nên nói năng kiểu cụt lủn đó là đúng rồi". Sau mới biết là nó ngượng miệng vì hai tiếng má - con.
Rồi thì con bé cũng quen dần. Chị lắng nghe tiếng gọi "má" chuyển từ e dè đến tự tin hơn mà cảm nhận nỗi ngọt ngào trào dâng trong lòng. Không ngờ một đứa con có thể khiến người mẹ ấm lòng đến vậy. Đáp lại sự tin cậy của con bé, chị rất ân cần và chiều chuộng. Hội phụ nữ tới chơi thấy trong nhà tràn ngập đồ hàng, búp bê và thú nhồi bông, ai nấy lắc đầu: "Thương kiểu này là coi chừng tập hư à nghen".
Nhưng con bé không hư. Đi mẫu giáo tuần nào về cũng khoe phiếu bé ngoan. Cô giáo nói với chị là bé sáng dạ lắm, thuộc lời bài hát rất nhanh. Chị vui, hay tưởng tượng đến khi bé lớn lên, sẽ như vầy như vầy như vầy… Thậm chí nhiều khi đứng trước cổng trường chờ đón bé, chị nghe như bên tai mình vang câu nói: "Bé giống má ghê"…
*
Lên tiểu học thì sinh chuyện.
Trường mẫu giáo gần nhà, chị đi bộ mấy bước là dắt bé tới nơi. Trường tiểu học hơi xa, chị định nhờ xe ôm đưa đón hằng tháng, nhưng đọc báo thấy mấy vụ xâm hại con nít, chị sợ. Mà từ lâu rồi, sau vụ đụng xe gãy chân phải bó bột, chị sợ nên bỏ xe máy, đi bộ thay cho thể dục ngày ngày cũng tiện, khi cần thì đã có xe ôm.
Ảnh minh họa |
Nghĩ lui nghĩ tới việc đưa đón con đi học, chị quyết định mua xe đạp điện là vừa với sức khỏe của mình. Ngày mới mua xe, hai má con chở nhau vòng quanh khu phố. Chị nói nhờ có con mà má vượt qua được sợ hãi, chứ hồi bị tai nạn tới giờ má không dám đụng tới cái xe nào. Hai má con cùng cười. |
Nhưng rồi, sau cơn hào hứng ban đầu, chị ngạc nhiên khi con bé xin chị dừng xe ở xa xa để nó đi bộ tới trường, và khi đón về cũng vậy. Chị gặng hỏi nhiều lần, con bé mới thú thật là vì chị quá khác với má của các bạn trong lớp, khiến nó xấu hổ.
Chị thở dài, ờ, đúng vậy, chiếc xe đạp điện nổi bật giữa những xe máy đời mới hào nhoáng đã đành, mà chính chị mới là nổi bật nhất giữa những bà mẹ trẻ trung xinh đẹp. Con bé thút thít kể, nhìn thấy chị ở cổng trường, mấy đứa hỏi: "Ba mẹ của bạn đâu mà chỉ thấy bà ngoại đón?".
Con bé sợ các bạn nghe nó gọi chị là má.
*
Chị chạnh lòng ghê gớm, cho tuổi tác của mình, và cho tình yêu thương mình tận tình trao đi sao bỗng trở thành nỗi xấu hổ. Chị nín lặng suốt mấy ngày rồi sực nhận ra con chỉ là một đứa bé. Chị nhận ra con nói thật cho chị biết về nỗi xấu hổ, tức là vẫn còn đó niềm tin yêu về sự thông hiểu. Kể ra nỗi sợ các bạn nghe nó gọi một bà già tóc hoa râm bằng má, chính là nỗi sợ những câu hỏi kế tiếp sẽ làm lộ thân phận bị bỏ rơi… Một đứa bé tám tuổi với gánh nặng mặc cảm to lớn biết chừng nào.
Ôm bé vào lòng, chị nói ờ để từ từ má con mình sẽ tìm cách, trước mắt má sẽ ngừng ở một khoảng xa xa cổng trường như con muốn. Nước mắt con bé lấp ló khóe mắt, con đâu có muốn vậy.
Chị ôm con bé chặt hơn, ờ, má hiểu mà. Ý nghĩ lóe lên trong tâm trí, nếu biết trước có lúc này thì hồi mới đón con bé về, chị đã dạy nó gọi mình là bà ngoại. Là danh xưng thì bà ngoại cũng ngọt ngào kém gì gọi tiếng má. Nhưng cuộc sống, nào ai biết trước điều gì sẽ đến. Thôi lỡ rồi, lại cùng nhau vượt qua nghe con…