Nam, nữ chỉ được pháp luật công nhận là vợ chồng khi có đăng ký kết hôn hợp pháp (ảnh minh họa).
Ông B chung sống với bà N từ năm 1993, có làm đám cưới nhưng không đăng ký kết hôn và có hai con, một gái 23 tuổi, một trai 20 tuổi. Hai bên gia đình và lối xóm đều xem ông B và bà N là vợ chồng. Ông B kinh doanh tự do, còn bà N ở nhà nội trợ, chăm lo gia đình. Nhà cửa, tài sản được tạo lập ra đều mang tên ông B.
"Giật" chồng, nhưng lại là vợ hợp pháp
Gần đây, khi ông B đang đi làm thì bị tai nạn nguy kịch phải vào cấp cứu ở bệnh viện. Khi bà N cùng các con đến bệnh viện thì ngỡ ngàng khi thấy một phụ nữ trẻ tên T đang chăm sóc cho ông B và nói là vợ hợp pháp của ông.
Quá bất ngờ, bà N mắng chửi chị T giựt chồng của bà và dù biết ông B có vợ mấy chục năm rồi mà vẫn xen ngang vào để phá hoại hạnh phúc gia đình người khác. Chị T phản ứng, khẳng định mình mới là vợ hợp pháp của ông B, vì hai người có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, còn bà N mới là người xen vào cuộc hôn nhân hợp pháp của họ. Chị T còn cho hay, bấy lâu nay không muốn làm lớn chuyện, vì ông B còn nể tình mấy chục năm chung sống với bà N và thương hai con, chứ về nguyên tắc ông B chỉ có chị là người vợ hợp pháp duy nhất. Chị T còn khoe, hai người còn có một con trai chung năm nay đã 9 tuổi.
Lúc này, bà N mới nhớ lại, gần chục năm nay, cứ cuối tuần ông B lại nói phải đi làm ăn xa ở tỉnh. Bà hoàn toàn tin tưởng ông B và thương chồng phải vất vả lo toan cho gia đình, cuối tuần cũng không được nghỉ ngơi. Và bà tự đặt câu hỏi nếu ông B và chị T có giấy đăng ký kết hôn, có chung sống và con chung thì bà là gì của ông B? Bà N quyết định nói chuyện với cha mẹ cùng anh em của ông B. Mọi người đều bất bình và khẳng định gia đình ông B chỉ công nhận bà N là vợ chính thức của ông B, chứ không chấp nhận chị T là vợ ông B và khuyên bà nhờ luật sư tư vấn kiện chị T về tội phá hoại hạnh phúc gia đình người khác.
Theo quy định của pháp luật, mặc dù ông B và bà N có làm đám cưới năm 1993, có ở chung nhà, có 2 con chung, gia đình nội ngoại hai bên, bà con, hàng xóm, bạn bè đều xác định họ là vợ chồng, nhưng vì không đăng ký kết hôn nên pháp luật không thừa hai người là vợ chồng hợp pháp. Do đó, bà N không được hưởng quyền lợi của người vợ hợp pháp. Nghe đến đây, bà N òa khóc tức tưởi vì cho rằng bị đối xử bất công. Tại sao chị T ngang nhiên lấy chồng của bà thì lại được pháp luật thừa nhận là vợ hợp pháp của ông B?
Thiệt thòi khi không đăng ký kết hôn
Khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: "Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn". Như vậy đăng ký kết hôn là thủ tục pháp lý, là cơ sở để luật pháp bảo vệ quyền lợi cũng như ràng buộc về nghĩa vụ cho các bên. Sau khi đăng ký kết hôn, các bên sẽ phát sinh quyền lợi và nghĩa vụ vợ chồng với nhau.
Về tài sản của ông B và bà N, điều 16 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: "1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. 2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập".
Như vậy, việc phân chia tài sản của ông B và bà N trước hết sẽ được giải quyết theo thỏa thuận giữa hai bên, nếu không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện để tòa án phán quyết. Đối với các tài sản mà các bên có căn cứ chứng minh có sự đóng góp bằng công sức hoặc tiền bạc của mình vào sự tạo lập nên tài sản thì tài sản đó được xem là tài sản thuộc sở hữu chung, và việc phân chia sẽ dựa theo công sức đóng góp của mỗi bên. Đối với những tài sản do một trong hai bên tự tạo lập nên sẽ là tài sản riêng.
Còn trong trường hợp ông B chết, thì bà và các con có được hưởng thừa kế của ông B hay không? Nếu như ông B không để lại di chúc hoặc để lại di chúc không hợp pháp thì sẽ chia thừa kế theo pháp luật. Theo quy định tại khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 thì: "1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây: a) Không có di chúc; b) Di chúc không hợp pháp; c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế; d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản".
Điểm a, khoản 1, điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật gồm "vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết". Vậy là các con của ông B, cha mẹ của ông B, vợ hợp pháp của ông B thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Còn bà N do không được pháp luật công nhận là vợ hợp pháp, nên không được hưởng thừa kế. Còn chị T sẽ được hưởng thừa kế do ông B để lại khi ông B qua đời.
Đến lúc này, bà N mới ngỡ ra rằng, tưởng bà là vợ của ông B, hóa ra lại trở thành người dưng.