Tiểu thuyết võ hiệp ghi nhận con người có nhiều môn công phu (võ công) khác nhau để chiến đấu ngoài cách dùng các vũ khí thô sơ như kiếm, đao, thương, gậy, roi... Đó là quyền pháp - phép đánh bằng nắm đấm; chỉ pháp - phép đánh bằng ngón tay; chưởng pháp - phép đánh bằng bàn tay; cước pháp - phép đá; cầm nã thủ pháp - phép chộp bắt...
Quyển thứ 2 trong tiểu thuyết Thiên Long Bát bộ của Kim Dung được Minh Hà xã Hong Kong in lại năm 1977 còn cho biết một môn công phu mới là giảo pháp - võ cắn, được Phong Ba Ác phái Cô Tô sáng tạo và sử dụng đánh lại một trưởng lão của Cái Bang.
Nguyên trưởng lão này có môn Thông tí quyền lợi hại, đấm một phát ngay vào miệng Phong Ba Ác. Biết mình không tránh được phát quyền này, Phong Ba Ác... há miệng chờ phát quyền đến là cắn ngay. Cú cắn trúng mấy ngón tay trưởng lão; khiến đôi bên cùng bị thương nhẹ.
Đồng bọn Phong Ba Ác đứng ngoài khen đó là chiêu Lã Động Tân giảo cẩu - Lã Động Tân cắn chó!
Võ cắn thất truyền đã lâu trong lịch sử võ thuật của loài người tiến bộ. Ngày 28-6-1997, võ cắn thực sự trở lại trong trận tái đấu quyền anh giữa Mike Tyson và Evander Holyfield tại Hoa Kỳ.
Biết mình núng thế có thể thua, Mike Tyson đã dùng chiêu thứ chín trong bộ Tân anh quyền giảo pháp cắn đứt một phần vành tai bên trái của Evander Holyfield với hi vọng chuyển bại thành xụi. Quả nhiên sau cú cắn lịch sử đó, Mike Tyson xụi đơ luôn!
Hai mươi năm sau, võ cắn đột ngột tái xuất giang hồ tại thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, Việt Nam.
Người sử dụng môn võ công này là ông Nguyễn Tấn Tùng - phó chánh thanh tra nhà nước thị xã Ngã Năm. Ông Tùng là võ sĩ không chuyên, chỉ luyện võ để thân thể khỏe mạnh chứ không nhằm lên đài đấu đá với ai.
Ngày 9-7-2017, do mâu thuẫn trong việc đỗ xe, ông Tùng đã xô xát với tài xế Nguyễn Văn Khanh. Đến khi ông Khanh ngã xuống, ông Tùng còn sử cầm nã thủ pháp chộp chân và cắn mạnh vào chân ông Khanh một phát, cương quyết không nhả khiến ông Khanh đau đớn ngất xỉu!
Ông Khanh được đưa vào viện Quân y 121 cấp cứu, các thầy thuốc cho biết vết thương có thể bị nhiễm trùng. Biên bản được lập sau đó ghi nhận ông Tùng đã nhào vào đánh ông Khanh bằng quyền pháp, đá ông Khanh bằng cước pháp; chộp chân ông Khanh bằng cầm nã thủ pháp và sau cùng thì mới sử chiêu thứ ba trong bộ Nha lực cận chiến giảo pháp mà cắn.
Cú cắn của ông Tùng tuy không gây hậu quả thương tật nặng nề cho nạn nhân nhưng nó có giá trị khẳng định rằng đây là lần đầu tiên trong việc ứng xử, một quan chức đã dùng giảo pháp để "trị" một người dân đã dám... đánh lộn với mình.
Giả thiết rằng ông Khanh biết... đứng yên và vui vẻ mở lời xin lỗi khi ông thanh tra Tùng chửi mấy tiếng, dộng mấy quyền và đá mấy cước thì không chừng ông Tùng đã không cắn ông Khanh.
Chuyện hi hữu này mới xảy ra trên đất nước ta nên cú cắn của ông Tùng được xem là... cú cắn lịch sử.
Về sau này còn vị quan chức nào cắn dân nữa không thì ta chưa biết được. Đối với các cơ quan chủ quản ở thị xã Ngã Năm và tỉnh Sóc Trăng thì môn võ cắn của ông Tùng xem là rất phản cảm, không hợp vệ sinh chút nào về cả hai nghĩa.
Trước mắt, thị xã Ngã Năm đã cảnh cáo ông Tùng về mặt Đảng, đang họp để xử lý tiếp về mặt chính quyền.
Báo chí cũng đưa tin ông Tùng đi làm khá... bình thường, khỏe mạnh, vui vẻ, đã điện thoại xin lỗi vợ ông Khanh về cú cắn gây thương tích cho chồng bà. Người viết hi vọng mọi việc khép lại một cách tốt đẹp cho cả đôi bên.