1. Bình nóng lạnh
Một trong những thủ phạm ngốn điện nhiều nhất chính là bình nóng lạnh. Thông thường, bình nóng lạnh gián tiếp có công suất phổ biến ở mức 2.500W. Bình nóng lạnh trực tiếp có công công suất từ 3.500W đến 4.500W.
Ví dụ sử dụng một bình nóng lạnh gián tiếp có công suất là 1.500W ( tương đương 1,5 kW), thời gian sử dụng trung bình khoảng 3 tiếng mỗi ngày, tương đương 4,5 số điện. Một tháng (30 ngày), bình nóng lạnh sẽ tiêu thụ 135 số điện. Tính theo giá điện hiện tại 2.000 đồng một kWh, một tháng bạn phải thanh toán 270.000 đồng.
Mẹo tiết kiệm điện: Nếu bình nóng lạnh luôn bật, mức tiêu thụ điện năng sẽ vượt quá giá trị này. Để tiết kiệm, chỉ cần bật bình nóng lạnh 30 phút trước khi sử dụng. Khi nhiệt độ trên đèn báo đạt nhiệt độ phù hợp nên tắt đi, có thể tiết kiệm rất nhiều điện.
2. Set-top box của TV
Mức tiêu thụ điện năng của ti vi không lớn nhưng nhiều người lại bỏ qua Set-top box. Đây là thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình và sau đó chuyển dữ liệu hình ảnh và âm thanh lên màn hình Tivi. Thiết bị này nằm trung gian giữa nguồn tín hiệu và tivi.
Công suất hoạt động của Set-top box thường là 16 W, chúng phải hoạt động 24 giờ mỗi ngày nên đây cũng là khoản chi phí đáng kể trong gia đình.
Mẹo tiết kiệm điện: Khi không sử dụng Set-top box, hãy rút nguồn điện. Nếu không rút phích cắm ra thiết bị vẫn sẽ chạy, từ đó chúng sẽ ngầm lấy đi rất nhiều điện. Nguyên nhân nữa khiến thiết bị này "ăn cắp điện" là khi ở trạng thái chờ, mức tiêu thụ điện năng duy trì ở mức 6-7W, đây là công suất cao nhất của các đồ dùng điện khác ở cùng trạng thái.
3. Tủ lạnh
Tủ lạnh là một trong những thủ phạm ngốn nhiều điện trong gia đình. Tuy công suất không quá lớn nhưng thiết bị này hoạt động suốt ngày đêm, lượng điện tiêu thụ vì thế không hề nhỏ.
Một chiếc tủ lạnh 150 lít, công suất 100-150 W sẽ tiêu thụ khoảng 4 kWh đến 5 kWh điện mỗi ngày. Tủ lạnh có công suất và kích thước lớn hơn sẽ tiêu thụ khoảng 6 kWh điện mỗi ngày. Chưa kể, vào mùa hè việc làm mát sẽ khiến tủ hoạt động nhiều hơn, mở tủ nhiều lần mà không nhanh chóng đóng lại cũng sẽ khiến hóa đơn tiền điện tăng lên.
Mẹo tiết kiệm điện: Không nên đặt các thiết bị tản nhiệt khác như lò vi sóng, lò nướng... gần tủ lạnh bởi sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả làm lạnh cũng như làm tăng lượng tiêu thụ điện năng.
4. Nồi cơm điện
Trong quá trình sử dụng nồi cơm điện, nhiều người cho rằng thiết bị này chỉ tiêu hao điện năng khi ở chế độ nấu, còn ủ hay hâm không gây tốn điện. Bởi vậy mới có những gia đình cắm cơm rất sớm và để ủ như vậy mấy tiếng đồng hồ. Đây là thói quen gây lãng phí bởi dù ở bất kỳ chế độ nào cũng tiêu hao năng lượng.
Một nồi cơm điện 1,2 lít thường có công suất 350-400W, nếu hoạt động trong hai giờ sẽ tiêu thụ khoảng 0,75 kWh điện.
Mẹo tiết kiệm điện: Khi không sử dụng, cần rút phích cắm nồi cơm điện để giảm tiêu hao năng lượng. Hơn nữa, khung vỏ của thiết bị này cũng cần được lau chùi thường xuyên, tránh rỉ sét, làm tăng mức tiêu thụ điện năng.
5. Máy tính
Ngay cả khi tắt máy tính, kể cả loại để bàn hay laptop vẫn sẽ hoạt động ngầm. Thiết bị này ngốn khoảng 96W mỗi ngày, như vậy mỗi tháng bạn sẽ tốn thêm 3 số điện cho mỗi chiếc máy tính. Nếu có thói quen để ở chế độ sleep, con số trên đội thêm cả chục lần.
Mẹo tiết kiệm: Để tiết kiệm điện, hãy tắt nguồn và rút phích cắm khi bạn không sử dụng máy tính.
5 mẹo dùng điều hoà tiết kiệm điện
Có một số mẹo rất đơn giản và hiệu quả để tiết kiệm điện điều hoà mà vẫn giữ không khí mát mẻ, dễ chịu trong mùa hè oi bức.
1. Tắt điều hoà vào ban đêm
Hãy bật điều hoà vào ban ngày và tắt vào ban đêm. Lý do rất đơn giản.
Thứ nhất, nhiệt độ ban đêm luôn thấp hơn. Bạn có thể tận dụng điều này bằng cách tắt điều hoà và mở cửa sổ. Nếu nhà có 2 cửa trước và sau thì bạn nên mở cả hai để gió thổi qua.
Thứ hai, để có một giấc ngủ thoải mái, cơ thể bạn không cần điều hoà phải chạy ở cùng mức nhiệt như ban ngày. Bạn cũng có thể tắt điều hoà trong khoảng thời gian 1-2 tiếng mà vẫn cảm thấy dễ chịu vì không gian phòng đã được làm mát từ trước đó.
Ảnh minh họa
2. Đặt mức nhiệt vừa phải và sử dụng chức năng hẹn giờ
Mức nhiệt cũng ảnh hưởng rất lớn tới điện năng tiêu thụ.
Vì thế, một trong những mẹo tiết kiệm điện là hãy để ở mức nhiệt vừa phải, đủ để giúp bạn cảm thấy dễ chịu, không bật quá lạnh, tránh làm điều hoà hoạt động quá sức.
Bạn không nên đặt điều hoà ở mức nhiệt thấp hơn 8 độ C so với nhiệt độ ngoài trời. Ngoài ra, bạn cũng nên hẹn giờ để hệ thống tự động điều chỉnh nhiệt độ giúp bạn.
3. Tạo không gian râm mát
Bạn không thể làm Mặt Trời tắt nắng nhưng có thể tạo những khoảng không gian râm mát cho ngôi nhà.
Việc dễ nhất mà bạn có thể làm là kéo rèm cửa, kéo mái che hiên… giúp ngôi nhà râm mát hơn.
Với những cửa sổ hướng về phía Mặt Trời, bạn nên dùng rèm cửa sáng màu để giảm sức nóng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể trồng cây cạnh các bức tường, cửa sổ, hiên nhà…
Những việc này giúp cho ngôi nhà giảm sức nóng, từ đó máy điều hoà sẽ được làm việc nhẹ nhàng hơn.
4. Tắt các thiết bị toả nhiệt
Tivi, máy tính, máy in, đèn, lò nướng… tất cả thiết bị điện trong gia đình đều tạo ra một lượng nhiệt lớn và buộc điều hoà phải làm việc nhiều hơn để kiểm soát nhiệt độ.
Ngoài ra, hãy chọn ăn những món mát mẻ, chế biến nhanh để bếp không tỏa ra nhiều nhiệt lượng vào mùa hè.
5. Vệ sinh điều hoà sạch sẽ
Hãy đảm bảo điều hoà được bảo dưỡng thường xuyên, bộ lọc được thay thế hoặc làm sạch để duy trì hiệu quả tối ưu.
Bộ lọc bẩn sẽ làm cho máy hoạt động khó khăn hơn, đồng nghĩa với việc tốn nhiều điện hơn.