Từ trước tết Nguyên đán đến nay, cá thài bai xuất hiện nhiều ở cửa Đà Diễn (nơi sông Ba chảy ra biển, thuộc phường 6, TP Tuy Hòa, Phú Yên). Người dân cho biết cá thài bai chỉ xuất hiện trong mùa xuân, từ giữa tháng chạp đến cuối tháng 2 âm lịch. Điều lạ là tỉnh Phú Yên có nhiều con sông chảy ra biển nhưng cá thài bai chỉ chọn cửa Đà Diễn để ngược dòng lên sông Ba. Những năm gần đây cá thài bai mất dạng, chỉ xuất hiện lại trong Tết Ất Mùi.
Vớt cá thài bai ở cửa biển Đà Diễn (sông Ba, Phú Yên)
Dọc cửa biển Đà Diễn, mỗi buổi sáng sớm có hàng chục người đi vớt cá thài bai. Người ta dùng một tấm lưới dày, 2 đầu cột chặt vào 2 thanh tre xuôi theo dòng nước gần bờ để vớt cá. “Cá thài bai đi ngược từ hướng biển lên phía thượng nguồn để sống. Cá không xuất hiện ở những nơi nước sâu, chảy xiết, mà chỉ dựa vào bờ, nước chảy êm để đi nên chỉ dùng tấm lưới thế này đi ngược hướng đi của cá là vớt được cá” - anh Ngô Thanh Tuấn, một người đang vớt cá cho hay.
Mỗi lần vớt cá kéo dài trong khoảng 10 phút, nhiều cũng chỉ được khoảng 2 lạng cá. Trên bờ, những người phụ nữ đã chuẩn bị sẵn thau, rổ, dừng để đãi cá.
Cá sau khi được vớt lẫn trong cát, vỏ ốc được đổ cả ra chiếc dừng được làm bằng nan tre đan dày để trong chiếc thau lớn đầy nước. Bà Hai Tơ, một người đang đãi cá thài bai để nghiêng chiếc dừng trong nước, hướng về phía mặt trời. vỏ ốc, sạn cát đổ về phía thấp, trong khi cá thài bai bơi dồn về phía cao của chiếc dừng để tranh ánh sáng, bà Tơ chỉ việc dùng tay vớt cá bỏ vào rổ.
![Đãi cá thài bai bằng dừng](https://nld.mediacdn.vn/thumb_w/540/2015/4-1425356057078.jpg)
Đãi cá thài bai bằng dừng
![Cá thài bai mong manh, trong suốt](https://nld.mediacdn.vn/thumb_w/540/2015/5-1425356057079.jpg)
Cá thài bai mong manh, trong suốt
Khác với cá thài bai ở sông Trà (Quảng Ngãi) to bằng đầu đũa và có vệt đỏ sẫm trên lưng, cá thài bai ở cửa Đà Diễn trắng muốt và chỉ nhỏ bằng cây kim may, con nào lớn cũng chỉ bằng que tăm. Cá đi theo từng đàn. Người tinh mắt lắm mới thấy đàn cá bơi trong dòng nước. Nhiều người cho rằng cá thài bai là cá bống con. Đến mùa sinh sản, cá bống ra cửa biển để đẻ. Cá bống con sau khi sinh bơi ngược lại thượng nguồn để sống.
Thế nhưng, nhiều người khác lại cho rằng thài bai là một giống cá, con trưởng thành cũng chỉ nhỉnh hơn chân nhang và cũng chỉ có màu trong suốt. Ông Lê Quang Hiệp, Giám đốc Trung tâm Giống và Kỷ thuật thủy sản Phú Yên cũng khẳng định như vậy. “Không thể nói cá thài bai là cá bống con cũng như không thể nói cá ồ là cá ngừ con vì đó là 2 giống cá. Cá ồ có lớn mấy cũng không trở thành cá ngừ” - ông Hiệp giải thích.
Trước đây, người dân sống dọc 2 bên bờ sông Ba cứ đến mùa xuân thì kéo nhau ra sông “xí” chỗ để be bờ cát dọc bên bờ sông, đơm cá thài bai bằng chiếc đó tre được đan rất dày. Cá bơi dọc bờ, đến khi gặp bờ cát được người dân đắp tạo thành dòng nước êm nên theo đấy mà đi đến khi chui tọt hết vào đó. Sáng ra, người ta chỉ việc giở đó lên trút cá vào giỏ mang về. Ngày nay, cá thài bai không còn nhiều, người dân chặn bắt ngay ở cửa biển nên người dân sống dọc theo sông Ba ở phía trên đành treo đó.
Vì cá thài bai sông Ba không còn nhiều nên có giá rất cao, những ngày tết có khi đến 400.000đ/kg, nhưng không có cá để bán. Cứ 5 người đi vớt cá thài bai thì trên bờ đã có chục người chờ sẵn để mua.
Trước đây, người Phú Yên có quan niệm ngày tết có thịt heo rừng để ăn sẽ may mắn cả năm nhưng bây giờ nhiều người cho rằng ăn được cá thài bai ngày Tết may mắn hơn. Vì quan niệm đó mà người ta tranh nhau mua cá thài bai, bất kể giá nào. Tuy nhiên, chẳng ai mua được nhiều. Người bán chia nhau mỗi người một ít để có phần lấy may. Và như thế, vô tình họ trở thành người phát lộc.
Bữa cơm mát ruột với cá thài bai chiên trứng và nấu canh rau
Cá thài bai còn sống, búng tí tách nấu gì cũng ngon, nhưng ngon nhất vẫn là chiên trứng và nấu canh rau. Cá thài bai sau khi rửa sạch được bỏ vào tô trứng đã đánh nhuyễn, thêm quả cà chua chín bằm nhỏ cùng chút muối, tí tiêu, hành rồi đổ ra chảo để chiên. Món trứng này vừa chín tới thì từ đầu ngỏ đến cuối ngõ đã nghe mùi thơm phức.
Cá thài bai có vị ngọt lạ thường, khi ăn vào có cảm giác như tan trong cổ, cứ thế mà thấm, mà đượm. Tuy nhiên, tôi thích nhất vẫn là món cá thài bai nấu canh với rau tần ô (cải cúc) hay rau tập tàng.
Nước nấu sôi, vừa cho cá thài bai vào là cho ngay rau vào nồi. Cá thài bai không tanh, nhanh chín nên chỉ 3 phút sau nhắc xuống, nêm tý mắm là có thể ăn. Tô canh rau cá thài bai khi ăn vào cảm giác mát cả luồng, đến tận dạ dày vẫn cảm thấy mát. Người say rượu có tô canh rau cá thài bai để ăn là tỉnh rượu ngay.