Khi mấy cơn mưa đầu mùa rơi nặng hạt thì nước cũng bắt đầu tràn đồng. Lấp xấp trên cánh đồng là những bụi cỏ nhô cao khỏi mặt nước, là những dây rau muống nước xanh um bắt đầu vươn ngọn. Tiếng ếch nhái kêu râm ran ngoài đồng báo hiệu mùa nhủi cua cá bắt đầu cũng là lúc mùa thương nhớ bà lại ùa về trong tôi. Bà tôi, người đã hát ru tôi ngủ trên chiếc võng tre sau nhà, người đã gắn bó suốt tuổi thơ giờ đã không còn nữa nhưng ký ức về bà cứ đong đầy mãi trong tôi.
Ở quê tôi cứ vào mùa mưa thì nhà ai cũng chuẩn bị làm một cái nhủi cua cá bằng tre. Thấy nhà ai cũng có, thương cháu nên bà ngồi tẩn mẩn vuốt nan tre làm nhủi cho chị em tôi đi bắt cá, cua với chúng bạn.
Đầu mùa mưa cũng là mùa sinh sản của cua. Bà nói “đứa nào thèm cua con kho mặn thì cứ lần theo bờ ruộng mà nhủi”. Chỉ cần dùng nhủi đẩy mạnh sát chân bờ ruộng chừng 5 m rồi lấy lên đã thấy cua con to cỡ ngón tay bò ngổn ngang, chỉ việc nhặt bỏ vào xô.
Sau 2 tiếng nhủi cua ngoài đồng, chị em tôi lại hí hửng chạy về khoe với bà nửa xô cua con. Lần nào cũng vậy, bà cười móm mém bảo “mấy con cua này đem kho mặn ăn cơm nóng là ngon nhất nha con”, rồi xoa đầu chúng tôi mắng yêu: “Tổ cha bây, giống ai mà đen nhẻm”.
Bà tôi hay nói kho cua cá mỗi vùng đều khác nhau, không có cách nào ngon nhất, miễn sao vừa miệng trong nhà mình. Cách kho cua của bà tôi rất đơn giản, nhìn qua một lần là nhớ.
Bà nói muốn kho cua ngon thì phải kho bằng mỡ chứ không phải dầu ăn. Đem cua bỏ vào cái tộ sành, cho vào mỡ heo mới thắng; nước mắm; tỏi, ớt giã dập; chút muối, đường, bột ngọt vào trộn đều, ướp khoảng 5-10 phút.
Tôi thắc mắc tại sao đã cho nước mắm lại để thêm muối, bà giải thích: “Có nước mắm thì nồi cua kho sẽ dậy mùi thơm còn bỏ thêm chút muối vào thì con cua sẽ cứng, ngon hơn”.
Sau khi cua thấm gia vị, bà tôi bắt tộ sành lên bếp để lửa nhỏ riu riu đến khi cua chín và nước cạn sệt thì nhắc xuống.
Lúc này, những chú cua ngả vàng óng ả mướt rượt những mỡ. Mùi gia vị, mùi cua lẫn với tỏi ớt hăng nồng lan tỏa khắp nhà. Chị em tôi đã tắm rửa sạch sẽ, cứ ngồi nhìn lom lom tộ cua kho mà nước miếng chực rớt đồm độp. Thằng em tôi chạy đi chạy lại sau hè xem nồi cơm đã chín chưa làm bà phải mắng yêu: “Cái gì mà nôn dữ vậy bây, bộ đói bụng dữ thần rồi hả con? Đợi chút xíu cơm có cơm cháy ăn mới ngon”.
Cua kho mặn ăn rất bắt cơm nóng, nhất là với cơm cháy còn nóng hổi mới cạy trong nồi ra. Sau một hồi chờ đợi chúng tôi cũng được nhai ngấu nghiến từng miếng cơm cháy giòn rụm, thơm phức kèm với mấy con cua măn mẳn, chút tóp mỡ beo béo. Mọi thứ cứ quyện lại thật đậm đà trên đầu lưỡi. Thi thoảng, chúng tôi bắt chước người lớn nhón tí xíu ớt hiểm cay cay để vừa ăn vừa hít hà mới đã...
Nhìn mấy đứa cháu ăn lấy ăn để bà tôi ngồi trên võng cứ lâu lâu lại nhắc: “Từ từ thôi con, mắc nghẹn bây giờ. Thằng út cay quá thì đi uống nước đi rồi ăn tiếp”.
Vào những ngày mưa dầm, có khi bà thay cơm bằng nồi cháo trắng nóng hổi. Chiều trời đất âm u, gió mưa xào xạc, ngồi húp tô cháo nóng với món cua kho của bà mà nghe ấm cúng làm sao.
Rồi bà tôi cũng phải đi xa lúc tuổi già, cái bếp lá sau nhà giờ cũng thay bằng cái bếp mới khang trang sạch sẽ hơn. Thỉnh thoảng bọn trẻ nhà tôi cũng hay ra đồng xúc cua mỗi khi mưa đến nhưng giờ thì cái tộ sành kho cua được thay bằng nồi nhôm trắng sáng, bếp củi thay bằng bếp gas. Cách kho cua vẫn theo kiểu bà chỉ nhưng người kho giờ không phải là bà nữa rồi.
Mấy hôm nay, cứ chiều chiều nhìn trời chuyển mây đen tôi lại nhớ hình dáng bà đứng bên chái bếp, nhớ cảnh bà ngồi trên võng nhai trầu, nhớ tiếng ru ầu ơ và nhớ làm sao những con cua kho ngon không có gì sánh nổi của bà. Bà ơi, mùa mưa tới rồi, nhủi cua lại đến nữa rồi...
(*) Xem thể lệ cuộc thi BÍ TRUYỀN CỦA MẸ tại đây.