Đu đủ được biết đến với vị ngọt, mát với hàm lượng Vitamin A bổ dưỡng cho thị giác. Đã có bao món ăn được góp thêm vị thơm ngon từ loại trái ấy như nước chấm bánh cuốn, bánh gối, nộm, thậm chí còn góp phần tạo mùi vị cho các loại bánh kẹo. Và lặng lẽ che mát cho những trái đu đủ chín lúc lỉu là những tàu lá xanh mướt, bẻ ra có nhựa trắng chứa chất độc. Tuy nhiên, dưới bàn tay khéo léo của những người phụ nữ miền sơn cước, những chiếc lá tưởng chừng vô dụng bỗng trở thành món ăn ngon lành: Cá hấp lá đu đủ.
Như cụ Nguyễn Tuân từng nói “nghề chơi cũng lắm công phu”, để có được món ăn này thì việc đầu tiên là phải câu được một chú cá chép tươi ngon. Cá chép sông, suối được lớn lên trong môi trường tự nhiên thường có vị ngọt, đậm khác với nuôi thả trong ao nhà. Lần này, chúng tôi may mắn câu được chú cá chép chừng hơn kí.
Kế đến là lựa lá đu đủ. Thứ cây nhan nhản khắp nơi nhưng chọn lá nào để hấp thì cũng phải khéo bởi chính thứ lá này sẽ quyết định đến chất lượng, mùi vị và sức hấp dẫn của món ăn. Lá già quá dễ giòn, gãy lại có vị đắng bởi hàm lượng nhựa đậm. Bởi thế, phải chọn lá còn non, mềm nhưng đã khá đậm màu ở gần phần búp nõn.
Chú cá được mổ sạch, lấy hết nội tạng rồi nhồi vào bụng đủ thứ gia vị: Măng tươi xắt lát, lá đu đủ, tỏi, gừng, sả, ớt… Sau khi cá ngấm giá vị thì quấn kín lá đu đủ, đặt vào nồi hấp, bên dưới lót thêm một mớ lá đu đủ nữa. Để cá có hương vị thơm ngon, rót vào nồi chừng nửa cốc bia rồi dậy nắp lại bắt đầu hấp.
Chừng nửa tiếng sau, khách và chủ nhà đã có thể nâng ly rượu ngô, cùng mời nhau dùng đũa thưởng thức vị cá hấp.
Cá hấp lá đu đủ có vị rất lạ. Vị ngọt của cá, cay của sả, ớt, thơm của rau nhưng độc đáo nhất có lẽ phải kể đến vị đăng đắng mà bùi bùi của lá đu đủ. Đây vừa là một món ăn, vừa là một vị thuốc rất tốt cho đường ruột, dễ tiêu hóa.