Vì bầu rất mau lớn nên qua Tết đa số hơi cứng già, chỉ có một ít còn non có thể chế biến ăn ngay được. Trong khi tôi lựa mấy trái bầu non đem luộc chấm chao thì má cắt hết mớ bầu để ở góc sân.
Trưa cơm nước xong xuôi, má kêu mấy chị em xúm lại gọt vỏ, cắt khoanh tròn dày chừng hơn 1 phân, sắp lên nia phơi nắng.
Tết thời tiết khô ráo, nắng rực cả sân nên phơi chừng 2 nắng bầu đã khô, má đem cho vào bịch ly lông cất trên giàn bếp.
Ra giêng, trời không mưa, rau trong vườn nhà lần hồi chẳng còn mấy cọng. Khi đó, má lấy mớ bầu khô xuống chế biến đủ thứ món, trong đó món tôi ghiền nhất là canh bầu nấu thịt vịt xiêm.
Bầu phơi khô trong cái nắng tháng giêng chừng 2 hôm là khô
Đầu tiên, má đem bầu khô ngâm với nước vo gạo chừng 1 tiếng cho những miếng bầu nở ra, sau đó xả lại với nước sạch rồi để ráo.
Chọn bắt một con vịt tơ chừng hơn ký, làm sạch chặt miếng vừa ăn rồi ướp hành, tỏi, tiêu, đường, mắm, muối để cho thấm.
Bắc chảo dầu lên bếp phi tỏi cho thơm đổ thịt vịt vào xào cho săn lại, đổ nhiều nước vào nấu cho thịt vừa chín thì thả bầu khô vào, nấu sôi lên một dạo, nêm nếm vừa ăn, rắc lên chút tiêu, hành lá.
Món này ăn nóng với cơm rất ngon. Nước canh ngọt lừ thịt vịt thoang thoảng mùi bầu; miếng bầu khô dai dai, giòn giòn chứ không mềm rệu. Để bữa cơm đậm đà hơn, tôi chuẩn bị sẵn chén nước mắm nguyên dầm ớt để chấm thịt vịt.
Bữa cơm với canh bầu nấu vịt đơn giản nhưng anh em tụi tôi ăn ngon như ăn giỗ, nồi cơm sạch veo mà vẫn thòm thèm, mè nheo: “Má ơi, chiều nay nấu canh bầu ăn nữa nghe”.
Từ khi má mất, chúng tôi bận đi làm ăn xa, vườn nhà không còn ai chăm sóc nên mấy dây bầu tàn lụi rồi dần dần mất hẳn.
Mấy ngày Tết, khi cả nhà quây quần ngồi nhớ má ôn lại chuyện xưa, nhắc đến món canh thịt vịt nấu bầu khô quen thuộc thuở nào ai nấy đều bần thần nhớ, nhớ canh bầu thịt vịt thì ít mà nhớ má thì nhiều.