Báo cáo cho thấy, người tiêu dùng tại Đông Nam Á (ĐNA) đang đặt hàng thường xuyên hơn trước. Đồng thời, họ ngày càng tương tác với GrabFood nhiều hơn cho các nhu cầu khác ngoài việc giao đồ ăn.
Riêng tại Việt Nam, 9 trên 10 (91%) người dùng được khảo sát cho biết họ đang sử dụng ứng dụng Grab để khám phá các nhà hàng và cửa hàng mới mà họ chưa từng thử qua trước đây. Các ứng dụng giao đồ ăn hiện cũng là cách phổ biến nhất để người dùng tại ĐNA khám phá các hàng quán mới, vượt qua cả các blog ẩm thực, sự giới thiệu từ gia đình, bạn bè, hay các nền tảng mạng xã hội.
Ông Mã Tuấn Trọng, Giám đốc Thương mại, Grab Việt Nam, cho biết: "Các nền tảng giao hàng như Grab đang ngày càng đóng vai trò không thể thiếu trong các trải nghiệm ẩm thực hàng ngày của người tiêu dùng Việt Nam. Grab không chỉ là ứng dụng đặt giao đồ ăn, còn giúp khách hàng khám phá các hàng quán hoặc cửa hàng mới, thông qua các đánh giá trên ứng dụng để hỗ trợ họ có lựa chọn phù hợp. Mục tiêu của Grab là tận dụng khả năng tiếp cận, sức ảnh hưởng và sự thấu hiểu khách hàng để kích cầu cho các đối tác thương nhân".
Báo cáo cũng thể hiện các xu hướng tiêu dùng nổi bật và đưa ra đề xuất giúp các đối tác thương nhân của Grab phát triển kinh doanh.
Đáng chú ý, đặt đơn hàng theo nhóm gia tăng khi nhiều người quay lại làm việc tại văn phòng hơn. Đặt đơn nhóm là tính năng trên GrabFood cho phép nhiều người cùng đặt chung một đơn hàng và chia đều phí giao hàng. Tại Việt Nam, số lượng đơn đặt hàng sử dụng tính năng này trong nửa đầu năm 2023 cao hơn gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tính năng này được dùng phổ biến nhất vào giờ ăn trưa và cho các đơn hàng giao đến văn phòng công ty.
Do đó, các quán ăn, nhà hàng có thể tiếp cận giới nhân viên văn phòng bằng cách áp dụng các gói ưu đãi kết hợp trong thời gian cao điểm này.
Grab vẫn đang tiếp tục tìm kiếm các giải pháp giúp tăng cường hiển thị của đối tác nhà hàng và đối tác thương nhân trên ứng dụng, đồng thời mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dùng GrabFood và GrabMart.