Nếu bạn trông ngóng đã lâu nhưng đến giờ mới có “tin vui” thì phải xử trí ra sao trong tình huống éo le này?
Có cơ hội giữ lại bào thai không?
Tại Bệnh viện Hùng Vương, cứ 100 phụ nữ tới khám thai thì có một người xin tư vấn vì vô tình sử dụng thuốc trong thai kỳ. Bác sĩ Phạm Thị Ý Yên - Phó khoa Khám B Bệnh viện Hùng Vương - nhẩm tính, mỗi ngày bệnh viện khám cho khoảng 800 thai phụ, ước tính có chục trường hợp trăn trở vì sợ điều bất trắc xảy đến với bào thai bởi sự ảnh hưởng của một loại thuốc nào đó.
Có cơ hội nào cho thai nhi khi mẹ bầu vô tình sử dụng thuốc?
Chưa kết thúc thời hạn "giới nghiêm", chị D. đã đến gặp bác sĩ vì có bầu ngoài kế hoạch. Dù hiểu rõ nguy cơ đối với em bé nhưng chị vẫn hy vọng bác sĩ gợi ý phương án tốt hơn để vợ chồng chị còn cơ hội giữ lại đứa bé. Thai nhi mới tám tuần tuổi. Trước mắt, bác sĩ đề nghị thai phụ khám thai định kỳ, tích cực tầm soát dị tật thai nhi, nếu phát hiện bất thường thì tùy tình huống sẽ có hướng xử lý kế tiếp.
Vì sao dùng thuốc tránh thai vẫn… vỡ kế hoạch?
- Thuốc không đảm bảo chất lượng.
- Bảo quản thuốc không tốt (do nhiều chị em có thói quen bỏ thuốc vào cốp xe).
- Sử dụng chất kích thích như cà phê, rượu, bia làm giảm tác dụng của thuốc.
Trong y khoa, nhiều nghiên cứu cho thấy sự liên quan giữa hiện tượng sẩy thai và những thai nhi bị dị tật bẩm sinh với việc bà mẹ có sử dụng thuốc trong thai kỳ; đặc biệt là ở 12 tuần đầu, khi tế bào của phôi thai đang phát triển để hình thành các cơ quan. Tuy nhiên, không phải 100% các trường hợp mẹ mang thai lỡ uống thuốc là chắc chắn con bị dị tật hoặc sẩy thai.
Cách đây nhiều năm, bác sĩ Đạt từng tiếp nhận một phụ nữ tên P.T.X. bị ung thư cổ tử cung giai đoạn B (đã di căn). Ngay lúc này, chị X. phát hiện mình có thai. Trong quá trình mang thai, chị X. phải sử dụng thuốc điều trị ung thư. Sau đó, chị X. sinh ra một bé gái khỏe mạnh. Người mẹ đã qua đời sau đó không lâu nhưng bé gái nay đã học lớp Mười.
Một trường hợp khác là chị N.T.V., 28 tuổi, ngụ tại TP.HCM đang uống thuốc điều trị cường giáp thì lỡ… mang thai. Thấy đôi vợ chồng trẻ thiết tha muốn giữ lại con, bác sĩ đã tư vấn, đưa ra lời khuyên để vợ chồng họ tự quyết định. Cuối cùng em bé chào đời, nay đã năm tuổi, khỏe mạnh bình thường.
Những nhóm thuốc nào nguy cơ cao?
Theo bác sĩ Yên, khi đang dùng thuốc mà lỡ có thai, thai phụ cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn. Bệnh viện Hùng Vương có trung tâm tư vấn về di truyền. Tại đây có bảng phân loại từng nhóm thuốc về mức độ ảnh hưởng của thuốc lên thai nhi. Thai phụ cần đem theo loại thuốc đã uống khi đến khám, cho bác sĩ biết liều lượng và số lần, thời điểm dùng thuốc. Sau đó, bác sĩ sẽ dựa vào tuổi của thai nhi, kết hợp với sự tính toán từ trung tâm tư vấn di truyền của bệnh viện để đưa ra lời khuyên cụ thể.
Không phải cứ uống thuốc là thai chắc chắn bị dị tật. Những nhóm thuốc có nguy cơ cao chủ yếu là thuốc bác sĩ kê toa: cường giáp, MTX… Còn nếu bạn lỡ uống vài viên thuốc cảm, thuốc tiêu chảy, thậm chí thuốc tránh thai khẩn cấp, bác sĩ vẫn khuyên nên theo dõi chứ không chỉ định bỏ thai. Với những trường hợp này, sau khi đo độ mờ da gáy của thai nhi ở tuần thai thứ 12, tới khi thai 16 tuần sẽ siêu âm khảo sát dị tật thai (thay vì đợi tới 20 tuần).