Các món ngon đông khách vào mùa lạnh Đà Lạt
Bánh mì xíu mại
Người ta vẫn thường nói, đến với Đà Lạt là đến với thiên đường ẩm thực. Và nếu đã chọn du lịch Đà Lạt mà không ăn bánh mì xíu mại coi như bỏ lỡ một món ăn tinh túy của Đà Lạt vừa ngon vừa rẻ.
Bánh mì xíu mại là món ăn vặt được đánh giá là ngon nhất trong tất cả những món ăn vặt đã làm nên thương hiệu của ẩm thực đường phố ở Đà Lạt và không biết từ lúc nào mà chén xíu mại trở thành món quà mà bất kì thực khách nào đến đây cũng nhất định phải thử một lần và thậm chí nghiện luôn từ lúc nào không hay.
Những miếng bánh mì chấm cùng nước dùng được ninh từ xương heo trong vắt có vị ngọt thanh nhẹ nhàng, kèm vào chén là những miếng xíu mại dẻo dai được làm từ thịt quết và thêm chút hành là. Với cái không khí se lạnh vào buổi sáng tinh sương, một chén xíu mại nhỏ trở nên hấp dẫn hơn, người ta thường cho thêm 1 ít sa tế tạo vị cay và màu cho món ăn.
Lẩu gà lá é
Trong không gian lạnh của phố núi, còn gì tuyệt vời hơn bằng việc ngồi quây quần bên nồi lẩu nghi ngút khói, hít hà hương vị thơm lừng bên trong nước lẩu. Ngoài lẩu bò, hiện nay, du khách đến Đà Lạt thường tìm lẩu gà lá é. Loại rau nhúng lẩu duy nhất được sử dụng ở món ăn này là lá é – một loại rau cùng họ với húng quế, hương nhu, vị hơi chua chua chát chát.
Một nồi lẩu gà lá é thường có nửa con gà chặt miếng, nước dùng lẩu có vị thơm cay nồng của ớt, ăn kèm với bún, nấm sò, một ít măng củ và dĩ nhiên không thể thiếu 1 đĩa rau lá é. Khi nhúng lá é vào nồi nước lẩu thì nên vớt ra ăn ngay khi còn tái, bạn sẽ cảm nhận được vị bùi, hơi the the của lá. Trời Đà Lạt về tối lạnh, nhiều sương nhưng được cùng bạn bè ngồi cạnh nồi lẩu gà lá é sôi sùng sục đưa mùi thơm phức sẽ khiến bạn quên ngay cái đói, cái lạnh.
Bánh căn
Không nhân tôm, nhân mực như bánh căn miền Trung, bánh căn Đà Lạt được đúc đổ trong khuôn đất nấu than, thêm một ít trứng (nếu khách có nhu cầu), thưởng cùng nước chấm nhiều mỡ hành. Nhưng, cái thú co ro giữa tiết trời luôn lạnh và ẩm, nêm ớt xay cay đến hít hà, đợi từng khuôn bánh đến lượt mình... là cái thú mà ngoài Đà Lạt ra, chẳng nơi nào có được.
Có hai loại nước chấm để khách lựa chọn, một là nước mắm pha với đường, tỏi, ớt; hoặc mắm nêm - cũng được pha chế ngọt lại, cùng với mỡ hành và vài viên xíu mại (thịt viên chưng). Bánh căn Đà Lạt có vị rất riêng, đậm đà, ấm và ngọt ngào. Và, chính vì không nhân, nên, bánh căn Đà Lạt dậy mùi bột gạo - thứ mà người Việt Nam quen xem là hiển nhiên phải có trong các bữa ăn, nên ít ai chú tâm để ý đến dư vị của nó, xen cùng nước chấm giản đơn nhưng tạo ra một hương vị mà không chắc những món đắt tiền đạt đến được.
Sữa đậu nành
Đà Lạt ban ngày đã rất đẹp, nhưng cũng không hề kém quyến rũ mỗi khi đêm về. Trong hơi sương se sắt, phố núi hiện lên mờ ảo, lung linh dưới đèn hoa. Tới Đà Lạt mà quên dạo chợ đêm thì quả là điều đáng tiếc. Dọc theo các con phố nhỏ, những thứ thu hút hơn cả cả là làn khói tỏa nghi ngút cùng hương thơm của những món ăn hè phố. Khi ấy, đừng quên dừng chân, thưởng thức chút quà đêm Đà Lạt, và thử uống sữa đậu nành.
Nhưng sữa đậu nành Đà Lạt trở thành đặc sản bởi nó ăn khớp đến kỳ lạ với không gian lạnh phố núi, bởi ánh lửa hồng bập bùng giữ ấm sữa sôi nhè nhẹ và nhất là, bởi tình người dường như thân hơn khi ngồi cạnh nhau, cùng chia sẻ ly sữa nóng.
Thưởng thức sữa đậu nành tại Đà Lạt, bạn nên dùng thêm bánh ngọt để cảm nhận trọn vẹn hơn vị ngon và béo từ ly sữa.
Bánh tráng nướng
Bánh tráng nướng Đà Lạt – hương vị hấp dẫn giữ chân du khách thập phương. Không ai đến thành phố hoa mà không biết món “pizza đặc biệt” này.
Hiện ở Đà Lạt có nhiều nơi bán nổi tiếng như: bánh tráng nướng Dì Đinh (26 Hoàng Diệu, Phường 5), bánh tráng nướng 61 (61 Nguyễn Văn Trỗi, Phường 2), bánh tráng nướng BTX (44 Bùi Thị Xuân, Phường 2), bánh tráng nướng Cô Phượng ( 69c Nguyễn Văn Trỗi, Phường 2), bánh tráng nướng 112 (112 Nguyễn Văn Trỗi, Phường 2)...