Trong khi caffeinism từ lâu đã được nhìn nhận là căn bệnh thực sự của những người tiêu thụ lượng caffeine quá mức, các triệu chứng của ngộ độc caffeine khá giống với triệu chứng của một cơn hoảng loạn. Khác biệt duy nhất mà người ta dựa vào để đưa ra chẩn đoán logic là trước đó ít lâu người đó có uống cà phê, trà, hoặc nước giải khát.
Tại các thời điểm khác nhau khi viết cuốn sách này, tôi đã có 5 trong số các triệu chứng, bao gồm bồn chồn, mất ngủ, kích động, làm việc không biết mệt và đặc biệt, suy nghĩ lan man. Tôi chỉ uống 1-2 cốc cà phê mỗi ngày vào buổi sáng.
Lượng caffeine vừa phải thì có ích, mặc dù hầu hết bác sĩ khuyến nghị các loại thuốc thay thế. Như Harry Hollingworth tìm thấy trong nghiên cứu của mình vào năm 1911, caffeine có thể cải thiện kỹ năng vận động và thời gian phản ứng một cách tối thiểu trong khi mô hình giấc ngủ tương đối không bị ảnh hưởng.
Cà phê nâng cao phong độ trong thi đấu thể thao (có thể thông qua kích thích não tiết ra nhiều adrenaline hơn) dẫn tới việc Ủy ban Olympic Quốc tế từng gọi caffeine là chất kích thích - quá nhiều caffeine trong máu đồng nghĩa với việc vận động viên bị loại ra khỏi cuộc chơi.
Caffeine có thể có tác dụng tốt cho những người bị hen suyễn và được dùng cho trẻ sơ sinh mắc chứng ngưng thở (không tự thở được). Một số người lớn bị dị ứng thấy rằng caffeine có thể làm giảm bớt các triệu chứng. Nó có thể giảm nhẹ cơn đau của chứng đau nửa đầu (mặc dù việc ngưng caffeine sẽ gây ra dạng đau đầu khác).
Đối với những người cần thuốc lợi tiểu hoặc nhuận tràng, cà phê có thể hỗ trợ. Một số nghiên cứu thậm chí còn khuyến khích sử dụng thức uống này như thuốc chống trầm cảm ngăn ngừa tự tử.
Không như những gì phụ nữ Anh từng phàn nàn vào năm 1674, caffeine đã được cho thấy là tăng khả năng vận động của tinh trùng, vì vậy có thể hữu ích trong các chương trình thụ tinh nhân tạo (mặc dù có một số quan ngại cho rằng nó có thể gây hại cho tinh trùng trong quá trình tăng tốc).
Lượng caffeine vừa phải thì có ích. Ảnh: Healthline.
Kết hợp với các thuốc giảm đau như aspirin, caffeine có vẻ giúp làm giảm cơn đau. Mặc dù cà phê thường bị cáo buộc là không cung cấp chất dinh dưỡng, nó cung cấp các khoáng chất như kali, magiê và mangan.
Bởi làm tăng tốc độ trao đổi chất, caffeine có thể hữu ích trong chế độ ăn kiêng nhưng hiệu quả tương đối ít. Giống như ritalin, caffeine có tác dụng ngược lên trẻ em rối loạn tăng động giảm chú ý: cho đứa trẻ đó uống cà phê dường như giúp chúng trấn tĩnh.
Rất đáng ngạc nhiên là có rất ít bằng chứng cho thấy caffeine gây hại lên trẻ em mặc dù vẫn rất phổ biến niềm tin cho rằng caffeine là nguyên nhân gây còi cọc, giảm sức khỏe... Nhiều bác sĩ đã bày tỏ lo ngại về phụ nữ mang thai và cho con bú uống cà phê. Caffeine dễ dàng đi qua hàng rào nhau thai vào thai nhi và biến sữa mẹ thành một loại latte được pha tự nhiên. Bởi trẻ sinh non thiếu các enzym ở gan để phá vỡ caffeine, do đó, caffeine sẽ nằm trong hệ thống của trẻ lâu hơn. Lúc 6 tháng tuổi, hầu hết trẻ em loại bỏ caffeine ở mức độ tương tự như ở người lớn, với một nửa vòng tuần hoàn tương đương khoảng 5 tiếng đồng hồ.
Các nghiên cứu đã không chứng minh caffeine gây hại cho thai nhi hoặc trẻ sơ sinh bú sữa mẹ, nhưng một số nghiên cứu gần đây có vẻ ám chỉ rằng caffeine làm trẻ mới sinh nhẹ ký. Jack James đã kêu gọi phụ nữ mang thai tránh đồ uống có caffeine. Trong cuốn Protecting Your Baby-to-Be (tạm dịch: Bảo vệ đứa con tương lai của bạn, 1995), Margie Profet cũng đồng ý: "Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu nên thận trọng kiêng khem hoặc ít nhất là hạn chế nghiêm ngặt việc uống cà phê... nếu ốm nghén không ngăn cản họ làm điều đó".
Mặt khác, Hiệp hội Cà phê Quốc gia (NCA) (chắc chắn có quyền lợi trong vấn đề này) đã khẳng định: "Hầu hết bác sĩ và nhà nghiên cứu ngày nay đồng ý rằng việc tiêu thụ caffeine hoàn toàn an toàn cho phụ nữ mang thai". Đối với những người cẩn trọng, NCA khuyến cáo 1-2 cốc mỗi ngày.
Các chuyên gia trong thực tế không đồng thuận nhiều về các kết luận khi dùng cà phê và caffeine, một phần vì các cá nhân có các phản ứng khác nhau đáng kể. Một số người thấy bồn chồn hàng giờ chỉ với một ngụm cà phê; những người khác có thể uống espresso với lượng caffeine gấp đôi (double espresso) ngay trước khi chìm vào giấc ngủ ngon. Vì vậy, những người yêu cà phê nên tự xác định mức độ tiêu thụ phù hợp với mình, tốt nhất là không nên nhiều hơn 2-3 cốc một ngày.
Những cách pha cà phê ngon phổ biến
Cách pha cà phê kiểu nhỏ giọt
Cà phê phin
Cách pha cà phê phin là phổ biến nhất. Dụng cụ pha chế vô cùng đơn giản, chỉ gồm một chiếc cốc và một chiếc phin đặt ở trên. Cho bột cà phê lên trên chiếc phin, đổ nước nóng vào để chiết xuất cà phê. Dung dịch cà phê nguyên chất sẽ chảy xuống dưới cốc. So với những cách pha thông thường khác, cách pha phin tuy mất nhiều thời gian và kỳ công hơn, song, lại mang đến hương vị đậm chất cà phê từ những giọt đầu tiên.
Cà phê pha phin
Pour Over
Pour over có nghĩa là 'nước rót qua'. Thuật ngữ này dùng để chỉ chung cách pha cà phê mà ở đó, người ta đổ nước nóng lên bột cà phê để chiết xuất cà phê, dung dịch cà phê sau đó sẽ chảy nhỏ giọt xuống một bình chứa. Người ta thường dùng một dụng cụ (thường có hình phễu) để lọc, giữ bột cà phê lại trong quá trình chiết xuất. Trên thế giới, có nhiều dụng cụ khác nhau như: Phễu V60, phễu Kalita... tuy nhiên, phễu V60 được sử dụng rộng rãi nhất. Để cho ra một tách cafe theo kiểu pour over đầy đủ hương vị nhất, người ta thường sử dụng cà phê Specialty.
Cà phê được pha theo kiểu Pour Over
Cách pha cà phê kiểu ngâm
Cà phê Cold Brew
Cà phê Cold Brew được pha kiểu lạnh. Cách pha cà phê này bắt nguồn từ những thủy thủ Hà Lan. Bởi sự thiếu thốn về vật chất trên tàu nên họ phải ngâm cà phê trong nước lạnh để chiết xuất, vô tình tạo ra một cách pha cà phê đặc biệt.
So với cách pha nóng, thời gian pha chế cà phê Cold Brew sẽ lâu hơn do phải ngâm cà phê trong nước lạnh từ 4-24 tiếng (tùy theo lượng bột cà phê). Cà phê ủ lạnh có hương vị nhẹ nhàng, ít đắng và ít chua hơn cà phê thường.
Cà phê cold brew (ủ lạnh)
Cách pha cà phê bằng áp suất
Cà phê Espresso
Đây là một loại cà phê vô cùng phổ biến có xuất xứ từ Ý. Espresso - tên của loại cà phê này được đặt theo chính cách pha chế của nó. Từ Espresso bắt nguồn từ thì quá khứ của từ Esprimere (nghĩa là ‘được ép ra’ trong tiếng Ý) - chỉ một loại cà phê được tạo ra từ phương pháp ép. Người ta sẽ sử dụng một chiếc máy pha cà phê chuyên dụng (gọi là Espresso Machine) cho hơi nước nóng ép cà phê đã được rang xay sẵn với áp suất 9 đến 10 atmosphere. Kết quả là, chưa đầy 30 giây, bạn sẽ có một tách Espresso đậm đặc gấp nhiều lần cà phê thông thường.
Một tách cà phê Espresso nổi bật với 2 lớp: Lớp bọt khí màu vàng óng ở trên bề mặt và lớp dung dịch cà phê màu đen ở dưới.
Một tách Cafe Espresso
Cà phê Americano
Americano được hiểu là cà phê của người Mỹ. Loại cà phê này thực chất xuất phát từ cà phê Espresso của người Ý. Trong chiến tranh thế giới, những binh lính Mỹ đóng quân ở Ý thường đổ thêm nước vào cà phê Espresso của họ để làm giảm đi độ đậm và vị chua. Kết quả là vô tình tạo ra một loại cà phê thơm ngon, phù hợp với khẩu vị của người Mỹ. Theo đánh giá, vị của cà phê Americano khá ngọt, ít đậm và không hề có vị chua từ hạt Arabica.
Cách pha cà phê Americano rất đơn giản. Nhân viên pha chế Barista chỉ việc đổ thêm nước nóng vào tách cà phê Espresso là xong.
Một tách Americano chuẩn Mỹ
Cách pha cà phê kiểu đun sôi
Dùng ấm Moka Pot
Moka Pot là một chiếc ấm pha cà phê kiểu Ý được thiết kế đơn giản để pha chế 2-3 tách cà phê nhỏ. Cấu tạo của ấm Moka gồm 3 phần:
Phần dưới cùng chứa nước (nồi hơi) Phần ở giữa là bộ lọc để chứa bột cà phê Phần trên cùng là bình chứa thành phẩm (dung dịch cà phê đã được chiết xuất)
Người ta đổ lượng nước vừa đủ vào nồi hơi và cho bột cà phê vào bộ lọc, sau đó vặn chặt và đun trên bếp. Khi nước sôi, hơi nước bốc lên gặp bột cà phê sẽ hòa tan và tiếp tục được đẩy lên phía trên và đọng lại ở bình chứa.
Chỉ mất khoảng 1 phút, bạn sẽ có được 2-3 tách cà phê thơm ngon.
Cà phê được pha bằng cách đun sôi trong ấm Moka Pot
Cách pha cà phê biến thể
Latte
Tín đồ của cà phê truyền thống thường không mấy "yêu quý" Latte. Nhưng tín đồ của cái đẹp lại ngược lại. Tuy hương vị không được đậm đà như những cách pha truyền thống, nhưng Latte mang đến một phong cách cà phê cổ điển, rất hoa mỹ và yêu kiều.
Latte là sự kết hợp của espresso và sữa. Tuy nhiên, nghệ thuật pha Latte nằm ở khả năng tạo hình và hòa trộn hương vị. Duy trì cho sữa và cà phê ở tỷ lệ chuẩn mới có được một cốc Latte ngon từ hương vị đến cái nhìn nghệ thuật. Do đó, một trong những kỹ năng quan trọng nhất của người pha Latte là "trộn sữa" – tạo bọt sữa.
Một tách Latte đầy nghệ thuật
Cà phê Cappuccino
Cappuccino là một món đồ uống cổ điển của Ý và đã vang danh trên khắp thế giới. Giống như Latte, Cappuccino cũng là sự kết hợp giữa cà phê Espresso, sữa nóng và bọt sữa. Do đó, nhiều người thường nhầm lẫn giữa 2 loại cà phê này.
Để nhận biết 2 loại cà phê này, cách dễ nhất là dựa vào tỷ lệ bọt sữa và sữa nóng. Ở Cappuccino, tỷ lệ sữa nóng và bọt sữa là tương đương. Trong khi đó, lượng bọt sữa ở Latte lại chỉ bằng một nửa lượng sữa nóng. Do đó, Cappuccino trông sẽ "bồng bềnh" hơn Latte.
Phân biệt Cappuccino và Latte
Cappuccino trông khá bồng bềnh
Cappuccino có vị cà phê khá nhẹ cùng với vị béo ngậy của sữa nên khá dễ uống và rất được ưa chuộng.
Cà phê bọt biển
Một hottrend rầm rộ tại các quán cà phê từ vỉa hè đến sang trọng. Sự kết hợp của cà phê với lớp tạo hình bọt biển mềm mại, bồng bềnh. Hương vị cà phê đọng lại trên môi, khóe miệng dính lớp bọt biển mà khi mím môi vẫn sẽ còn cảm thấy độ ngọt pha chút đắng.
Cà phê bọt biển nổi bật với lớp sữa tươi đánh bông thơm ngậy, lớp cà phê tạo bọt mềm. Cách pha cà phê này tương đối cầu kỳ và nhiều bước. Tuy nhiên, về độ ngon và dễ uống thì cà phê bọt biển xứng đáng là một hot trend.
Từ việc trộn cà phê, lọc, đánh, tạo bọt, người pha phải tỉ mỉ từng bước. Từ tỷ lệ đến màu sắc đều cần cân đối để có được hương vị như ý.
Cà phê bọt biển