Nguyên liệu: 500 gr cà tím, 2 củ hành tím, 2 nhánh hành lá, ớt (tùy chọn), Gia vị: Nước tương, nước mắm chay, đường, hạt nêm chay, hạt tiêu, tương ớt (tùy chọn), muối hạt và chanh để sơ chế cà, dầu ăn
Cách làm
Cà tím cắt bỏ cuống, thái vát dày khoảng 2 cm, giữ nguyên cả vỏ để khi kho không bị nhũn. Ngâm cà vào chậu nước muối loãng, pha thêm nước cốt chanh để cà không bị thâm đen và khử bớt độc tố.

Hành khô băm nhỏ, hành lá rửa sạch thái nhỏ, ớt thái lát.

Pha hỗn hợp nước sốt gồm 1,5 thìa canh nước mắm chay, 1 thìa canh nước tương, 1 thìa canh tương ớt, 1 thìa canh nước màu, 1 thìa cà phê hạt nêm chay, 1 thìa cà phê hạt tiêu và 100ml nước khuấy đều.

Đun nóng 3 thìa canh dầu ăn, cho cà vào chiên sơ. Khi cà săn và hơi sém cạnh là được. Vớt cà ra để vào giấy thấm dầu. Việc này giúp cho khi kho cà không bị nhũn mà vẫn giữ nguyên hình dạng.

Phi thơm hành khô, trút phần hỗn hợp nước sốt vào, khuấy đều trên lửa nhỏ. Nêm nếm điều chỉnh lại gia vị cho vừa miệng. Cho cà vào và kho trên lửa vừa, lật trở nhẹ để các mặt cà thấm đều sốt kho. Kho cho tới khi nước sánh sệt là được, rắc thêm hành lá, hạt tiêu cho thơm. Tắt bếp và múc ra thưởng thức.

Yêu cầu thành phẩm: Cà mềm dẻo, giữ nguyên hình dáng, thấm vị mặn ngọt hài hòa, nước sốt sóng sánh màu hổ phách kích thích vị giác.

Thành Phẩm
Chú ý: Những người ăn chay trường thì bỏ các ngũ vị tân, thay bằng hành boa-rô. Cách chọn cà tím ngon là chọn những quả màu tím sẫm, da bóng mịn, cầm cứng và chắc tay. Nên chiên sơ để cà săn lại, giúp cho khi kho không bị nhũn mà vẫn giữ hình dáng. Tùy theo khẩu vị, khi kho thêm đậu hũ chiên cũng rất ngon.
Những lợi ích của cà tím với sức khỏe
Cà tím chứa nhiều chất xơ, kali, vitamin C, vitamin B6 và chất chống oxy hóa anthocyanins, có tác dụng hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
Cà tím có chứa nhiều chất xơ (trong 100g cà tím có 3g chất xơ), điều này có lợi cho việc kiểm soát cholesterol máu.
Các polyphenol trong cà tím có thể giúp bảo vệ cơ thể trước bệnh ung thư. Anthocyanins và axit chlorogenic bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại do các gốc tự do gây ra. Về lâu dài, điều này có thể giúp ngăn chặn sự phát triển của khối u và sự lây lan của các tế bào ung thư.
Những rủi ro có thể gặp khi dùng cà tím
Nasunin, một chất phytochemical có trong cà tím liên kết với sắt và loại bỏ nó khỏi tế bào. Quá trình này, được gọi là thải sắt, có thể hữu ích cho những người có quá nhiều sắt trong cơ thể. Tuy nhiên, những người có lượng sắt thấp không nên tiêu thụ một lượng lớn thực phẩm có chứa nasunin như cà tím.
Cà tím có chứa một lượng nhỏ solanine nhưng có thể gây độc. Nếu bạn ăn một lượng thấp đến vừa phải thì không cần phải lo lắng về ngộ độc solanine nhưng nếu ăn nhiều có thể gặp các biểu hiện nóng rát cổ họng, buồn nôn và nôn, rối loạn nhịp tim...
Cà tím chứa ít oxalat hơn các loại trái cây và rau quả khác nhưng oxalat có thể góp phần gây ra sự hình thành sỏi thận ở một số người dễ hấp thụ oxalat. Nếu không điều trị, sỏi thận có thể dẫn đến tổn thương thận cấp tính hoặc suy thận. Do đó, thực phẩm có chứa oxalat, chẳng hạn như cà tím, có thể không thích hợp cho những người dễ bị sỏi thận.