Với những ai lớn lên ở miền biên giới Tịnh Biên, nấm mối không phải là món ăn xa lạ. Tuy nhiên, xét về độ hiếm thì loại nấm này thuộc hàng khó kiếm, vì mỗi năm chỉ xuất hiện vào mùa mưa và chỉ mọc 2-3 tháng.
Trong một dịp tình cờ, tôi được những người bạn ở Tịnh Biên giới thiệu về cây nấm mối. Thật ra, tôi có biết nấm mối, nhưng chủ yếu qua truyền hình và nó ở tận xứ dừa Bến Tre, nên cũng lấy làm lạ khi nghe nhắc đến cây nấm mối của vùng Bảy Núi. Nhưng cây nấm mối ở xứ Tịnh Biên là có thật. Và nó được xem là món ăn "hảo hạng" của vùng đất này dù chỉ là loại nấm hoang dại mọc ở góc vườn.
Nói về cây nấm mối quê mình, anh Tạ Minh Triều (ngụ thị trấn Tịnh Biên) cho biết: "Nấm mối chủ yếu xuất hiện vào mùa mưa, từ tháng 5 đến tháng 8 (âm lịch). Ngày trước, nấm mối mọc khá nhiều ở những khu vườn rợp bóng cây tại khu vực thị trấn Tịnh Biên, xã An Phú và thị trấn Nhà Bàng. Hiện nay, loại này rất khó kiếm, một phần vì đặc tính sinh sống của chúng, mặt khác cũng vì ảnh hưởng của hoạt động canh tác vườn, rẫy sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật khiến nấm không mọc được. Bởi vậy, nấm mối vốn đã quý thì nay lại càng hiếm!".
Nấm mối thường mọc nhiều ở những khu vườn thuộc thị trấn Tịnh Biên, xã An Phú và thị trấn Nhà Bàng
Theo anh Tạ Minh Triều, cây nấm mối rất đúng với tên gọi của nó, chủ yếu mọc quanh những tổ mối. Tổ mối càng lớn ổ nấm cũng có thể sẽ lớn. Phải gọi là "ổ" vì chúng mọc thành đám hàng trăm, hàng ngàn cây, không đếm xuể. Tuy nhiên, đặc tính của nấm mối là vòng đời rất ngắn, thuộc dạng sớm nở chiều tàn nên phải những người "hạp" mới có thể gặp được chúng, mà đôi khi ổ nấm cũng chỉ "lèo tèo" vài chục cây.
Với người dân địa phương, hương thơm của nấm mối là yếu tố đặc trưng để có thể nhận ra chúng. Khi cây nấm đã đủ lớn, chúng sẽ phát ra mùi thơm nên người dân có thể theo đó mà tìm kiếm. Có khi đến nơi, người ta thấy ổ nấm đã tàn mà "tiếc đứt ruột". Ngoài ra, nấm mối cũng là món ăn khoái khẩu của loài cuốn chiếu núi hay loài mối. Bởi thế, người ta phải tranh thủ hái thật sớm để nấm mối không bị hư hại khi những loài vật đó tìm đến.
Có lẽ, cảm giác thích thú nhất chính là lúc tự tay hái những cây nấm thân trắng phau, tàn đỏ au bỏ vào rổ rồi mang về chế biến thành những món ăn thơm ngon, bổ dưỡng. Bà Nguyễn Thị Di (người dân xã An Phú), chia sẻ: "Nấm mối có thể coi là ngon nhất trong các loại nấm mà tôi từng ăn. Xét về chất lượng, nó ngọt gấp mấy lần nấm rơm, hương vị không chê vào đâu được. Dân sành ăn thì xào thịt gà, nấu lẩu, còn đơn giản hơn là nấu canh, kho tương cũng là món ngon "bá cháy". Bởi nấm mối rất ít gặp nên người ta hái được để nấu ăn trong gia đình hoặc đem biếu thân tộc, chứ không mấy ai đem bán! Tôi đã hơn 60 tuổi mà mỗi lần ăn nấm mối đều thích cái vị ngọt chân chất của nó".
May mắn được dịp "mục sở thị" cây nấm mối, tôi vô cùng thích thú bởi lần đầu tiên được tiếp cận loại đặc sản này, thay vì chỉ qua mô tả của người dân địa phương. Những cây nấm trắng tươi, dài hơn ngón tay trỏ "thoang thoảng" mùi hương kết tinh từ lòng đất của miệt Thất Sơn hùng vĩ đã trở thành một phần ký ức của những ai chôn nhau cắt rốn nơi này. Do nấm mối thơm ngon và hiếm nên mức giá của chúng khá cao, từ 200.000-300.000 đồng/kg nhưng rất ít người chịu bán.
Như một đãi ngộ của thiên nhiên, vùng đất Tịnh Biên luôn có những đặc sản "hương đồng cỏ nội" mà qua bàn tay nội trợ đảm đang của người phụ nữ nơi đây đã trở thành món ngon nổi tiếng, trong đó có loài nấm mối độc đáo chỉ xuất hiện mỗi năm một mùa. Rồi đây, những ai có dịp thưởng thức món ngon từ nấm mối hẳn sẽ để thương để nhớ về một góc của xứ núi Tịnh Biên, nơi mà vị ngọt của nó đã thấm ở trong lòng!