Hiện tại, đang là mùa thu hoạch khoai tây tại nhiều vùng nguyên liệu, bà con phấn khởi khi năng suất đạt như dự tính và giá thu mua đúng như cam kết của các doanh nghiệp ban đầu.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết là Lâm Đồng nổi tiếng với nhiều loại nông sản phong phú, đặc trưng của vùng khí hậu ôn đới, trong đó có sản phẩm khoai tây. Tuy nhiên, trước đây, việc sản xuất khoai tây còn nhiều khó khăn; đầu ra cho sản phẩm bấp bênh và bị cạnh tranh gay gắt của sản phẩm ngoại nhập.
Nông dân trồng khoai tây phấn khởi khi đạt năng suất, chất lượng, giá bán như doanh nghiệp cam kết
Trước đây, diện tích khoai tây Lâm Đồng chủ yếu là các giống khoai tây ăn tươi; nhưng những năm gần đâu việc hợp tác doanh nghiệp chế biến thì diện tích sản xuất các giống khoai tây phục vụ chế biến đã tăng mạnh. Đặc biệt, 2 năm gần đây diện tích sản xuất khoai tây chuyên dùng chế biến đã tăng gấp 2. Cụ thể, năm 2022 diện tích hơn 2.700 ha, sản lượng 76.000 tấn so với năm 2020 là 1.350 ha, sản lượng 35.400 tấn.
"Việc liên kết hợp tác với các doanh nghiệp chế biến, người sản xuất khoai tây được hỗ trợ cung ứng giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây khoai tây và bao tiêu thu mua sản phẩm sau khi thu hoạch; qua đó trình độ sản xuất và thu nhập của người dân ngày càng tăng. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh phát triển các liên kết sản xuất như mô hình với các doanh nghiệp đã và đang triển khai.
Đây là hướng chuyển đổi phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh: tập trung vào hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ phát triển công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị nông sản", đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng thông tin.
Theo Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina (Orion), một doanh nghiệp liên kết với nông dân trồng khoai tây chế biến (làm snack) tại Lâm Đồng cho hay, mục tiêu hướng tới của Orion là sử dụng 100% nguyên liệu khoai tây tươi tại Việt Nam.
Hiện tại, vùng nguyên liệu khoai tây tại Việt Nam đang cung cấp khoảng hơn 30% công suất hoạt động của nhà máy để sản xuất các loại bánh snack như: O’star và Swing, Orion đang tích cực mở rộng thêm vùng nguyên liệu để đạt được mục tiêu trên.
Khoai tây dùng để chế biến là giống khoai khác biệt so với loại dùng để ăn tươi.
Các vùng nguyên liệu khoai tây của Orion có diện tích khoảng 1.500 ha ở các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng, Đăk Nông,… được xây dựng cách đây 7 năm với tên gọi dự án "Khoai tây quê hương".
Từ 2016 đến nay, Orion đã hỗ trợ gần 18 tỉ đồng trong đó gần 10 tỉ là phần hỗ trợ máy móc nông nghiệp (khoảng 27 cái) cho các tỉnh trên; gần 6 tỉ thiết bị sản xuất giống khoai tây (mái che, máy phun, máy phát điện, máy đo độ pH, máy khử trùng áp suất cao,...); 1,5 tỉ đồng cho các hỗ trợ khác,…
Ông Jung Mun-Kyo, quản lý bộ phận AGRO trong Orion cho biết, 7 năm liền theo đuổi mô hình "khoai tây quê hương", Orion đã hỗ trợ máy móc, giống và kỹ thuật cho hàng ngàn hộ nông dân.
Theo ông Jung Mun-Kyo, toàn bộ số khoai tây bao tiêu được thu hoạch theo quy trình khép kín và được vận chuyển thẳng vào nhà máy chế biến snack của Orion trên cả nước.
"Từ khi bắt tay với nông dân để xây dựng nguyên liệu, Orion đã giảm sản lượng nhập khẩu từ nước ngoài thông qua việc thay thế nguyên liệu từ chính quê hương Việt Nam", ông Jung Mun-Kyo bày tỏ.