Sau lễ Giáng sinh, mẹ chồng tôi dọn bữa trưa gồm các món thịt nguội, gà tây, thịt heo xông khói, xúc xích. Món nóng duy nhất là các loại rau củ như khoai tây rán, bắp cải luộc từ hôm qua, bà cắt nhỏ và chiên trên lửa to cháy cạnh.
Chồng tôi giải thích, theo truyền thống, con gà tây sẽ được "tùng xẻo" dần cho đến khi hết thì thôi, có khi mất cả một tuần, các món khác cũng vậy, món nào cũng sẽ được dùng cho tới hết. Mẹ chồng tôi lúc ngồi ăn trưa, mắt lim dim bảo thời hậu chiến là như thế đấy, người ta sẽ không bỏ đồ ăn thừa bao giờ.
Ảnh minh họa
Tôi nghe mà lòng bồi hồi, pha chút hối hận khi nhớ đến những cái tết ở nhà. Nhà tôi chắc cũng như mọi nhà ở Việt Nam, dù thời ấy còn khó khăn, nhưng tết nào cũng đều chuẩn bị chu toàn bữa cơm cúng ông bà. Mâm cúng gồm những món mà nhà ai cũng phải có, và tất nhiên không thể thiếu nồi thịt kho măng.
Năm nào ba tôi cũng ngâm thật nhiều măng. Măng khô ngâm rửa rồi tước thành từng sợi nhỏ, ba biểu ngâm bao nhiêu thì tước bấy nhiêu, tước đến khi những ngón tay nhăn nheo cũng không thấy mệt vì nỗi háo hức đón tết. Có ngờ đâu đó là chiêu của ba. Sau tết, những món như nem, chả, giò thủ còn thừa, ba cho tất cả vào nồi măng và hâm đi hâm lại để ăn suốt các mùng.
Măng càng nhiều thì càng "cõng" được các món thịt thà thừa mứa. Sau này, các con lớn lên, thấy tết bắt đầu dư thừa, bèn bàn với ba: "Hay mình thôi món măng đi ba, ngán lắm!". Nhưng ba chỉ im lặng. Mùng Ba, mùng Bốn tết ngồi ăn món măng hầm mà lòng ngao ngán. Không ăn thì ba lại một mình ăn hết.
Tôi không hiểu vì sao ba vẫn phải ăn những miếng măng một cách chậm rãi, trong khi chợ búa đã mở cửa nhộn nhịp. Đàn con đã lớn, và biết chọn món ngon để ăn, chứ không như hồi xưa, có nồi măng cũng xong một bữa.
Sau này, cùng chồng chuẩn bị Giáng sinh, tôi dần hiểu ra. Tết, cũng như Giáng sinh, là dịp để nhớ về truyền thống. Món ăn khi đó không đơn thuần là món ăn hằng ngày để no bụng nữa, mà là để nhớ về gia đình, ông bà, mẹ cha, đất nước.
Ảnh minh họa |
Những năm đầu, tôi ra sức can ngăn chồng chỉ nên mua hai miếng lườn gà tây nhỏ thôi, nhưng anh vẫn mua cả con. Anh kể, con gà tây sau khi được nướng vàng ươm cho đêm Giáng sinh, mẹ anh làm thành món thịt nguội cho ngày hôm sau. Rồi thì, những lát lườn còn nguyên vẹn, bà sẽ kẹp vào bánh mì làm món sandwich, thịt còn lại trên gà, bà lạng hết để nấu món cà-ri. |
Thế là cũng như nồi măng của ba tôi, con gà tây được gia đình chồng ăn đi ăn lại suốt một tuần. Và anh luôn chăm chỉ thực hiện y như thế cho gia đình nhỏ của chúng tôi.
Tôi không biết ngày còn bé, anh em chồng ăn gà tây suốt một tuần có ca thán gì không, nhưng từ khi ở chung với nhau, tôi chỉ thấy anh rất hồ hởi ăn đi ăn lại món gà tây nguội lạnh cho đến khi nào hết thì thôi. Mỗi lần dọn ra là anh lại nhắc một bài ca xưa cũ là mẹ anh đã chế biến gà tây như thế nào.
Xa quê hương, mỗi lần nhìn con gà tây ở đây, tôi lại nghĩ đến những buổi trưa sau tết ngồi ăn măng hầm với ba khi còn ở Việt Nam. Có lúc ăn mà lòng nặng trĩu, nghĩ vẩn vơ chắc ba tiếc của mà ráng ăn. Cũng có khi ba kể ở quê, nhà ông bà nội cũng ăn như thế. Nhưng tôi lại nghĩ hồi xưa còn nghèo thì phải vậy, chứ bây giờ ăn đồ thừa đâu có tốt.
Chỉ đến khi thấy chồng tôi trân trọng những giá trị truyền thống gia đình, tôi mới nhận ra và trách mình vô tình với ba quá. Một năm ăn măng hầm với ba chỉ có một lần, sao không biết nhượng bộ để ba vui?
Tôi mong sẽ có một ngày tết nào đó, vợ chồng tôi được ngồi ăn măng hầm với ba. Tôi sẽ hãnh diện kể cho chồng nghe truyền thống nhà em là đây, nồi măng hầm đã có mặt trong mỗi dịp tết, và mong ba sẽ chậm rãi kể cho chúng tôi nghe ngày tết hồi xưa của ông bà nội vui như thế nào.