Gà tây lần đầu tiên đến Anh vào năm 1526, khi thương nhân William Strickland có chuyến đi tới Mỹ. Ông đã mua 6 con gà từ người bản địa và mang bán lại với giá cao ở chợ Bristol khi trở về nước.
Gà tây mùa đông có thể nặng tới 15 kg. Ảnh: Donald M. Jones.
Trước khi gà tây xuất hiện, người Anh thường dùng đầu lợn, xa xỉ hơn là thịt công và thiên nga cho bữa ăn ngày Giáng sinh. Một món ăn phổ biến hơn là ngỗng, vì cuối năm là thời điểm loài gia cầm này béo và ngon nhất. Vào Michaelmas, ngày lễ được tổ chức vào đông chí trong thời trung cổ, ngỗng nướng được coi là một món quà dâng tặng cho thần Odin và Thor, để cảm tạ mùa màng bội thu.
Tuy nhiên, người nông dân nhận thấy các con vật mà họ định giết trong lễ Giáng sinh có thể được sử dụng cho mục đích khác tốt hơn, như bò để lấy sữa, gà để thu hoạch trứng. Thay vì giết gia súc, gia cầm để phục vụ cho lễ hội, họ có thể giữ lại chúng và chọn mua gà tây. Vì vậy đến những năm 1950, gà tây trở thành món ăn Giáng sinh phổ biến.
Cũng có giả thuyết cho rằng, gà tây sẽ mang lại không khí lễ hội hơn, thay vì các món như thịt lợn, bò mà mọi người ăn hàng ngày. Ngoài ra, do gà tây có kích thước lớn hơn ngỗng và gà, sẽ phù hợp cho một bữa ăn gia đình đông người.
Gà tây nướng béo ngậy cùng khoai tây là món ăn không thể thiếu trong giáng sinh ở Anh. Ảnh: Tesco Real Food. |
Henry VIII là vua đầu tiên của nước Anh thưởng thức gà tây trong ngày lễ Giáng sinh, vào thế kỷ 16. Có người cho rằng, món ăn Giáng sinh này dần trở nên phổ biến sau khi được nhắc tên trong cuốn sách của nhà văn Charles Dickens, xuất bản năm 1843. |
Ngày nay, mỗi năm người Anh tiêu thụ khoảng 10 triệu con gà tây trong Giáng sinh và gần 90% người dân cho rằng lễ hội sẽ không trọn vẹn ý nếu thiếu món ăn này. Tuy nhiên, gà tây không phải là món ăn Giáng sinh của hầu hết nước châu Âu. Ở Bồ Đào Nha, một sự lựa chọn khác là cá tuyết, người Đức thích lợn rừng hoặc nai. Trong khi ở Thụy Điển, tiệc Giáng sinh thường có trứng cá muối, sò ốc, cá sống hoặc nấu chín.