Ảnh minh họa
Những người cha "trốn" nghĩa vụ
Kết hôn, chung sống với nhau được 6 năm, có một con trai 4 tuổi thì chị Lê Nguyệt H (TP HCM) và anh Phan Trung D (TP HCM) ra toà ly hôn. Căn cứ vào tình trạng tài chính hai bên, toà tuyên anh D phải cấp dưỡng cho con mỗi tháng 4 triệu đồng để đảm bảo việc nuôi con được ổn định.
Thời gian đầu sau ly hôn, anh D. chấp hành nghiêm túc. Tuy nhiên, sau 6 tháng, anh D. bắt đầu "quên" nghĩa vụ của mình. Chị H. phải liên tục nhắc nhở, nhưng thời gian anh gửi tiền cho vợ cũ càng ngày càng bị kéo dài, có khi 1,5 tháng, 2 tháng anh mới gửi. Anh D. lấy cớ là công việc hiện nay khó khăn, tài chính không còn như trước và mong vợ cũ thông cảm.
Tuy nhiên, theo chị H. được biết, do chồng cũ có bạn gái mới, mức chi tiêu nhiều hơn và do nhiều lý do khác nên anh cảm thấy "tiếc" số tiền cấp dưỡng mỗi tháng cho con. Sau đó, tiền cấp dưỡng cũng ngày một ít đi. Đến khi anh D. lập gia đình mới, có con thì khoản cấp dưỡng cũng không được gửi nữa. Sau nhiều lần đòi mà không được đáp ứng, chị H. quá mỏi mệt nên đành chấp nhận bỏ luôn.
Anh D. sau đó hầu như không liên lạc với vợ cũ cũng như không mấy khi đến thăm nom con gái. Chị H. cho biết dù không có số tiền ấy thì chị vẫn không nề hà, mặc dù chị vất vả hơn nhiều khi mức lương không cao, phải làm thêm kiếm tiền lo cho con. Chỉ tiếc là chồng cũ đã chọn từ bỏ trách nhiệm, cũng từ bỏ luôn tình thương với đứa con ruột và từng thương yêu, khiến con gái chị rất buồn, nhớ ba.
Cấp dưỡng bao nhiêu cho đủ?
Buổi tối hôm ấy, nhà tôi đón một người khách. Người tôi biết nhưng chưa bao giờ gặp mặt hay nói chuyện. Đó là chị G., vợ cũ của chồng tôi.
Chị G. là người phụ nữ mảnh khảnh, khá xinh với vẻ ngoài được chau chuốt. Vào nhà, chị đĩnh đạc đi quanh một vòng nhìn ngó rồi mới ngồi xuống sofa.
Không rào đón hay hỏi han cho phải phép, chị nói hiện số tiền chu cấp của chồng tôi cho hai đứa con không đủ. Vật giá ngày càng tăng, chi dùng cũng tăng. Chồng tôi là cha của hai đứa trẻ đang tuổi lớn, anh phải thu xếp sao cho coi được, không có lý nào bố thì ở nhà cao cửa rộng còn con thì vất vưởng thiếu thốn.
Đợi chị G. nói xong, anh mới nói căn nhà này là nhà của tôi - tài sản riêng của tôi trước khi kết hôn - chứ anh chưa hề đóng góp gì. Anh còn nói thật ra là người đi ở nhờ. Cái xe máy anh đi cũng là cái xe từ thời hai người họ còn là vợ chồng.
Sở dĩ anh không có nổi căn nhà cho mình là vì 5 năm trước, lúc ly hôn, anh đã để lại tất cả cho ba mẹ con chị.
Tài sản ấy, anh cũng kể với tôi khi một, hai lần. Đó là ngôi nhà hai tầng xinh xắn, một cuốn sổ tiết kiệm gần năm trăm triệu cùng ba cây vàng. Anh giải thích, do chị muốn nuôi hai con, anh không thể tranh hay chia tài sản với chị. Anh là đàn ông sống sao cũng được, anh chỉ muốn mẹ con chị sống tốt.
Chồng tôi nói, ngoại trừ số tiền chu cấp hàng tháng, anh sẽ không đưa thêm một đồng nào. Chị đứng bật dậy nói, nếu thế chị sẽ đưa hai đứa con cho anh nuôi để anh biết nuôi hai đứa trẻ khó khăn vất vả ra sao.
Chị về rồi, chồng tôi ngồi chết trân trên ghế. Tôi không biết phải nói gì với anh. Là người đến sau, tôi đã phải chuẩn bị tinh thần để bước qua những điều tiếng. Nếu chị đưa trả hai đứa trẻ, chúng tôi sẽ phải làm gì khi mà chúng tôi sắp có con của mình.
Còn đáp ứng đòi hỏi của chị thì liệu chúng tôi có yên thân khi chị đã quen tiêu xài hoang phí, tiền kiếm không ra nhưng thích mạnh tay chi?
Nên nghĩ đến những đứa con
Trường hợp của chồng cũ chị H. chỉ là một trong rất nhiều trường hợp "trốn" cấp dưỡng sau ly hôn, chủ yếu từ phía những người cha. Thông qua các toạ đàm gia đình, các diễn đàn trên mạng xã hội có thể bắt gặp nhiều cách "trốn" cấp dưỡng cho con của những người đàn ông sau ly hôn. Có người rời khỏi nơi cư trú, vợ cũ và con không cách nào liên lạc được. Có người thì nại cớ công ăn việc làm không ổn định, chưa đủ tài chính để chu cấp cho con. Có người thì khất từ tháng này sang tháng khác cho đến lúc con khôn lớn.
Trường hợp đòi thêm cấp dưỡng của chị G. cũng không phải hiếm, nhất là khi người vợ cũ quen sống tiêu xài, không biết tính toán cho con cái. Khi thấy chồng cũ sống khỏe, khá giả sẽ cố mà kỳ kèo. Nước cờ cuối cùng là chị ấy rủ bỏ trách nhiệm, buông 2 con luôn cho chồng cũ.
Các bậc cha mẹ khi đi đến quyết định ly hôn hãy nghĩ đến người thiệt thòi nhất chẳng ai khác là những đứa con. Sống với cha hay sống với mẹ đã là một mất mát tình cảm khó thể bù đắp. Vì thế, đừng làm mất luôn chút tình cảm còn lại của con cái khi các đấng sinh thành ra chúng kỳ kèo bớt một thêm hai...