Tôi vờ chọc má: "9h mùng 8 con vào sở làm, chắc chiều mùng 7 con lên nha má".
Vậy là có kỳ kèo nài nỉ. Vậy là có thằng con trời ơi "làm giá": "Thôi con lên sớm chứ ở nhà chi cho lâu. Lên chiều mùng 7 hay sáng sớm mùng 8 thì cũng vậy".
Xuân vẫn còn, hoa vẫn thắm... sao đành lòng đi. Ảnh: PhongTQ
Má nói "ừ" mà tôi cứ cảm nhận giọng nói buồn buồn. Phải công nhận là tết mau hết thật. Mới hôm nào là 29, 30 tháng chạp cả nhà cùng nhau lau lá chuối làm bánh. Mới hôm nào cả nhà cùng nhau ăn bữa cơm cúng tất niên. Vậy mà, đùng cái hết tết.
Mà ước thì ước cho vui vậy thôi chứ đứa nào dám trốn làm vào những ngày đầu năm. Thường vào ngày đó các sếp thường hay họp phòng ban, tập thể công ty, rồi điểm danh, rồi chúc tết, lì xì. Có nơi ai không đến công ty trong ngày đầu năm thì không những chẳng có lì xì mà còn bị phạt, trừ vào lương rất nặng.Tôi có những người bạn làm ăn sinh sống bốn phương. Mỗi mùa tết về tụi nó đều vô cùng hăm hở nhưng lúc chuẩn bị quầy quả vô Sài Gòn thì đứa nào cũng than thở. "Sao mà nhanh hết tết thế nhỉ", "Chưa được đi chơi, chưa được làm gì cả", "Ước gì sếp cho nghỉ ngơi đến hết rằm".
Những ngày bình yên nơi quê nhà trong những ngày tết chắc chắn sẽ làm bạn bịn rịn khi chia tay để vào thành phố. Ảnh: PhongTQ
Trừ những đứa ở những quê xe phương tiện tàu xe quá khó khăn, phần đông những người dân phương Nam thường chọn mùng 5 hoặc mùng 6 để vào thành phố đi làm. Cuộc chia tay chia chân giữa con cái và bố mẹ, giữa người lớn với trẻ nhỏ thường lắm dặn dò và bịn rịn. Làm như ở lâu một chút là quen hơi, là khi xa thấy nhớ, mặc dù khi vào thành phố làm quen nhịp, có khi 3 đến 6 tháng mới nghĩ tới chuyện về quê một lần.
Tôi có biết một bà dì quê ở miền Trung. Nhà nghèo, dì ấy đành bôn ba vào Nam làm công việc quét dọn hằng ngày cho một văn phòng. Nhà dì ấy bị chia đôi xẻ nửa. Hai đứa nhỏ ở quê học cấp 2 cùng sự chăm nom của bố còn đứa lớn theo dì ấy vào Sài Gòn ở trọ để đi theo sự nghiệp học hành đàng hoàng.
Nhà nghèo, dì chỉ biết khuyến khích con ráng học để thoát nghèo. Những đồng tiền đi làm kiếm được, dì vun vén lo cho con rồi gửi về quê. Tết này dì đi tàu lửa về mất gần 24 tiếng, vậy ra dì không có trọn 5 ngày để ăn tết như mọi người. Nghĩ tới chuyện chị chia tay chồng con để vào Nam tiếp tục mưu sinh khi ngoài kia sắc mai vàng còn rực rỡ tự nhiên thấy nghẹn trong lòng.
Ảnh minh họa: PhongTQ
Tôi đi vòng ra sau bếp tự tay dọn mâm cơm trắng với chút dưa hành, lạp xưởng và ít măng kho, thịt tết mang lên mời má. Bà nhìn tôi cứ như kiểu con dâu mới về nhà chồng, đầy xét nét. Tôi bật cười: "Trời ơi, má ơi, lâu lâu về đây má cho con làm con có hiếu đi. Mai mốt con vào thành phố làm rồi, ở đây không còn ai dọn cơm lên cho má đâu".Ảnh minh họa: PhongTQ
Rồi tôi chậm rãi: "Lúc nãy con hỏi rồi, từ nhà mình lên thành phố có chuyến xe chạy thẳng lúc 4 giờ sáng nên con ngủ thêm lại ở nhà một đêm nữa cũng được".
Tôi thấy ánh mắt má tràn ngập niềm vui.