Ảnh minh họa
Tại sao bạn không về quê ăn Tết? Chưa mua vé về quê, sợ bố mẹ giục cưới, muốn ở lại thành phố làm việc, hay năm nay cuối cùng bạn cũng đã đưa được gia đình đến thành phố ăn Tết? Xu hướng nhiều người ở lại thành phố đón năm mới đang ngày càng trở nên rõ ràng. Cho dù bạn có lý do gì để không về quê ăn Tết, thì trước tiên tôi xin chúc bạn sẽ có một năm mới vui vẻ.
"Sắp cưới chưa? Có bạn trai chưa?" Tết nhất vốn là ngày đoàn tụ với gia đình, nhưng với Hiền, một nữ nhân viên văn phòng đã làm việc ở thành phố được sáu năm, "lời nguyền kết hôn" ở quê nhà đã khiến cô hình thành nên "nỗi sợ về quê", và năm nay, cô đã đưa ra một "quyết định khó khăn": Ở lại thành phố đón Tết.
"Giục cưới" - chuyện khiến nhiều người chán nản
Hiền năm nay 29 tuổi, cô ở lại thành phố làm việc sau khi tốt nghiệp và hiện đang làm công việc viết quảng cáo cho một công ty. Hiền thuộc diện ưa nhìn và có thu nhập tốt, nhưng cô lại chưa tìm được một người phù hợp. "Tôi quá bận rộn với công việc, nhiều lúc cảm thấy bản thân không có thời gian và sức lực để yêu đương". Mỗi khi về nhà vào kỳ nghỉ, bố mẹ luôn tìm cơ hội để nói chuyện với Hiền, và nhắc nhở cô "đến tuổi rồi".
Bố mẹ thì dễ đối phó, nhưng những người khác, họ hàng, hàng xóm… lại không dễ đối phó như vậy.
"Thôi đừng quá kén chọn nữa, giờ mình còn chọn được người ta, qua hai năm nữa là thành người ta chọn mình đấy!"
"Cái Hà nhà ông Nam ấy, nhỏ hơn cháu một tuổi, đang có em bé rồi đấy!"
….
Cứ hễ gặp nhau, câu chuyện luôn chỉ xoay quanh những chủ đề: Lương lậu, về quê, kết hôn…
Hiền nói, cứ hễ ra ngoài gặp hàng xóm, câu đầu tiên được hỏi luôn là "Lấy chồng chưa cháu?", thật ra cũng không có gì, nhưng nghe riết khiến cô cảm thấy nó đáng sợ. Lâu dần cảm thấy không thoải mái mỗi khi bị hỏi như vậy. Vì vậy, năm nay Hiền chỉ còn cách quyết tâm ở lại thành phố ăn Tết.
Chưa về nhà đã có vài buổi xem mắt đang chờ đợi
Giục cưới không chỉ là lời nói suông, mọi người cũng rất tích cực "nói đi đôi với làm". Hiền nói, còn chưa nghỉ đã nhận được cuộc gọi của chị họ ở quê, nói cô năm nay về ăn Tết sớm một tý, lý do là bởi "Chị giúp em sắp xếp một buổi xem mắt rồi, cậu này được lắm!"
Người mà chị ấy giới thiệu là một nhà thiết kế, cũng đang làm việc trên thành phố, nhỏ hơn Hiền 3 tuổi. Hiền không thích những buổi gặp mặt với người lạ như này nên cô khéo léo từ chối, nói vì lý do tuổi tác, cô không thích người nhỏ tuổi hơn mình.
Không chỉ chị họ, mà ngay cả một giáo viên trung học thân với gia đình Hiền, khi biết tin cô vẫn độc thân liền nói muốn giới thiệu đối tượng cho cô, rồi nói Hiền tranh thủ về quê sớm để còn gặp mặt. Bạn bè của Hiền cũng không chịu kém cạnh, cũng nói muốn giới thiệu cho một cậu bạn mà cô ấy quen. Hơi choáng ngợp nên cô không còn cách nào khác đành phải khéo léo từ chối sự nhiệt tình của mọi người với lý do Tết không về quê vì năm nay công ty cần nhân viên ở lại tăng ca.
Em họ của Hiền, người kém Hiền 2 tuổi cũng đã kết hôn vào năm nay và sau Tết cũng sẽ tổ chức tiệc ở quê. Đây cũng là một trong những lý do khiến Hiền quyết định ở lại thành phố đón Tết. "Tham gia lễ cưới, mọi người sẽ lại giục tôi cưới cho mà xem".
"Bao nhiêu tuổi độc thân cũng phải bình tĩnh, hôn nhân cũng là một loại trách nhiệm"
Dù không về nhà vì sợ gia đình giục lấy chồng, nhưng Hiền cũng bày tỏ khát khao được yêu: "Thỉnh thoảng đi họp lớp, thấy người ta mang cả con đến dự, còn tôi vẫn vậy, vẫn một mình, đôi khi, tôi cũng muốn tìm một ai đó để đi cùng trong cuộc sống".
Tuy nhiên, Hiền cũng cho rằng "độc thân ở tuổi bao nhiêu thì cũng nên bình tĩnh", bởi "hôn nhân không phải là trò đùa, bạn nên nhìn nhận nó với lý trí, đừng kết hôn chỉ vì lời nói của người khác hay cảm thấy quá cô đơn, hôn nhân cũng là một loại trách nhiệm, thà muộn còn hơn không đúng. Kết hôn chớp nhoáng rồi ly hôn, vậy thì còn có ý nghĩa gì?"
"Hiện tại ở một mình tôi vẫn thấy khá ổn." Năm nay Hiền ở lại thành phố đón Tết. Hiền nói rằng cô ấy sẽ không phải đối mặt với sự thúc giục của gia đình và người thân, lại vừa có thể tận dụng kỳ nghỉ để ở nhà đọc sách. Cô cũng dự định sẽ vào miền nam du lịch, cảm nhận không khí đón Tết trong đó. "Sẽ rất tốt khi có người đi cùng, nhưng không có người bên cạnh, bạn cũng vẫn có thể sống thật rực rỡ!"
Cách trả lời câu hỏi 'Bao giờ cưới', 'Khi nào có con' dịp Tết
Trong dịp đoàn viên, nhiều người trẻ rơi vào cảnh khó xử khi nhận được những câu hỏi xoáy sâu vào đời tư từ gia đình, đời tư.
Tết Nguyên đán là dịp gia đình sum họp, quây quần bên nhau và kể về năm đã qua. Nhưng đồng thời, đây cũng là thời điểm dễ xảy ra những câu hỏi kém duyên, gây khó xử, như "Bao giờ cưới?, "Lương tháng bao nhiêu?" hay "Tại sao mập thế?".
Buổi gặp gỡ gia đình thân tình bỗng trở thành cuộc "thẩm vấn", với hàng loạt thắc mắc xoáy sâu vào đời tư từ những người họ hàng không có thiện chí. Do đó, dịp lễ, Tết không phải quãng thời gian nghỉ ngơi vui vẻ nhất đối với nhiều người.
Khi đối diện những tình huống này, thay vì chịu im lặng hoặc lên tiếng đả kích mạnh mẽ, CNN gợi ý rằng bạn nên giữ bình tĩnh, tự tin và chủ động thiết lập ranh giới.
Lên kế hoạch trước
Bước đầu tiên, bạn cần chuẩn bị tinh thần trước buổi sum họp gia đình. Hãy nghĩ xem người thân, họ hàng có thể sẽ nói điều gì gây kích động bạn, từ đó luyện tập câu trả lời phù hợp.
Về phần đối đáp, hãy cố gắng tỏ ra nhẹ nhàng, đồng thời sử dụng các câu xưng ở ngôi thứ nhất nhằm tránh gây cảm giác buộc tội người đặt câu hỏi.
Khi đối diện câu hỏi về vóc dáng
Dù chỉ trích hay thực sự mang ý nghĩa tốt đẹp, các câu hỏi "Dạo này tăng cân à?" hay "Lâu không gặp sao béo thế?" có thể khiến bạn cảm thấy căng thẳng.
Trên thực tế, chúng nói lên nhiều điều về người đặt câu hỏi hơn là về bạn. Thông thường, những người quan tâm tới thân hình và chế độ ăn uống của mình sẽ có nhiều khả năng bình phẩm về người khác hơn.
Khi đối diện tình huống này, bạn có thể trực tiếp đáp lại bằng những lời tuyên bố về cơ thể mình, như "Cháu cũng chẳng để ý nữa, bởi cháu không quan tâm đến cân nặng", hoặc "Cháu được yêu thương, chăm sóc kỹ quá thôi".
Tuy nhiên, nếu cuộc trò chuyện mang tính miệt thị ngoại hình vẫn kéo dài, hoặc bạn không cảm thấy không thoải mái, hãy tự tin xin phép rời khỏi cuộc trò chuyện đó.
Một số câu hỏi có thể khiến người trẻ cảm thấy bị tấn công về vóc dáng, ngoại hình. Ảnh: John Diez/Pexels,
Khi đối diện câu hỏi về chuyện tình cảm
"Có người yêu chưa?", "Sao về Tết một mình thế?", "Bao giờ lấy vợ?"... là những câu hỏi "kinh điển" mà hội độc thân thường xuyên nhận được từ gia đình, họ hàng vào mỗi dịp đầu năm mới.
Trong trường hợp này, hãy thử "lái" sang chủ đề trò chuyện mà mọi người thích bàn tán hơn là chuyện tình cảm của bạn.
Nếu không thành công, hãy đáp rằng "Khi nào chuyện tình cảm có tiến triển gì, cháu sẽ chia sẻ với bác", nhằm tỏ ra bạn không muốn tiếp tục cuộc trò chuyện này một cách gián tiếp.
Khi đối diện câu hỏi về chuyện sinh con
Những cặp vợ chồng mới cưới, hoặc kết lâu năm mà chưa có tin vui thường khó tránh được câu "Bao giờ đẻ?". Nhiều cặp có con cũng bị thúc giục sinh thêm đứa nữa.
Trên thực tế, những câu hỏi về hôn nhân hoặc chuyện sinh con thường xuất phát từ tình yêu và sự phấn khích của người hỏi. Do đó, hãy thử điều hướng cuộc trò chuyện sang hướng khác bằng cách đưa ra một lời bình luận tốt đẹp và gợi ý chủ đề khác.
Ví dụ, "Cháu hiểu rằng bác muốn chúng cháu được hạnh phúc ấm êm như gia đình mình. À, bác kể lại về lần đầu bác gặp vợ/mình như thế nào đi".
Cuộc gặp mặt gia đình nên đem lại không khí vui vẻ, thay vì khiến bạn cảm thấy nặng nề. Ảnh: cottonbro/Pexels.
Nhưng đôi khi, ngay cả mục đích là tốt đẹp, những lời hỏi han có thể làm tổn thương ai đó, chẳng hạn nếu bạn bị hiếm muộn hoặc vô sinh.
Trong trường hợp đó, hãy bắt đầu bằng cách bàn luận với chồng/vợ của mình về việc cởi mở đến đâu và với ai. Sau đó, bạn có thể dừng cuộc trò chuyện bằng câu nói trực tiếp "Tôi thực sự không muốn nói về điều đó".
Thời điểm nên rời đi
Nếu đã thử tất cả phương pháp đặt giới hạn nhưng vẫn cảm thấy có khoảng thời gian vui vẻ, bạn hoàn toàn có thể rời khỏi cuộc sum họp gia đình sớm. Đôi khi, việc tự đưa mình thoát khỏi tình huống gây bức xúc là cách thiết lập ranh giới tốt nhất.
Điều này không đồng nghĩa rằng bạn nên gây náo loạn, um xùm trước khi rời đi. Thay vào đó, hãy kiếm một lý do phù hợp. Nhìn chung, dịp lễ, Tết xoay quanh sự kết nối giữa gia đình, người thân. Nhưng nếu sự kết nối đó đem lại cảm giác tồi tệ cho bạn, bạn không cần ở lại lâu.