Hôm nhận được tin Út Huệ lấy chồng, tôi bần thần cả buổi. Vậy là em đã không chờ tôi về để làm món cá cơm mờm kho me cho tôi ăn mỗi ngày như đã hứa. Mà suy cho cùng lỗi này cũng tại tôi. Con cá cơm mờm cũng chỉ có mấy tháng trong năm; còn con gái người ta cũng có thuở, có thì, làm sao mà tôi cứ bắt chờ đợi mãi?
Tôi nhủ lòng như vậy để tự an ủi mình, để vơi đi những thiếu vắng mà tôi cảm nhận rõ hơn khi người con gái mình yêu đi lấy chồng.
Tôi gọi điện cho Tư Hùng, anh trai kế của Út Huệ: “Sao ông hứa gả em gái cho tui mà bây giờ lại gả cho thằng khác?”. Tư Hùng cười hề hề: “Ai biểu mày đi hoài, cứ lo chuyện trên trời dưới đất, làm sao mà con út nó chờ được? Thôi, để tao kiếm đứa khác tao đền. Mà mày có kịp về ăn đám cưới nó không?”.
Ngày đám cưới trúng vào lúc tôi đang dự khóa huấn luyện 6 tháng ở nước ngoài không về được. Đúng hôm đám cưới Út Huệ, tôi trùm mền, bỏ ăn. Tôi nhớ cô gái Long Xuyên có nước da trắng hồng như thiếu nữ Đà Lạt mà mình đã biết cách nay 12 năm khi đi thực tập. Hồi đó Út Huệ mới 16 tuổi. Lần đầu tiên khi Tư Hùng dẫn tôi về nhà chơi, đang ăn cơm, thấy Út Huệ đi học về, tôi bần thần đánh rơi cả đũa.
Trong suy nghĩ của tôi, con gái miền Tây thường có khuôn mặt tròn trịa, nước da ngăm ngăm, đi đứng nặng nề, nói năng rổn rảng. Ấy vậy mà khi gặp Út Huệ thì mọi thứ lại đảo ngược. Ngoài nước da trắng hồng, cô bé có dáng đi nhanh nhẹn; giọng nói trong veo, nhẹ nhàng. “Nó là cục vàng của ông bà già, có bắt mần mụn gì đâu mà biểu đen đúa, xấu xí?”- Tư Hùng giải đáp thắc mắc của tôi.
Tuy là con cưng nhưng Út Huệ rất giỏi nữ công gia chánh. Ngay hôm sau tôi đã được thử tài của em với món cá cơm mờm kho me. “Nó để cho tụi mình đói meo mới cho ăn, cái gì mà không ngon?”- Tư Hùng lại phản bác khi tôi khen cô em gái của anh nấu ăn ngon.
Cái đó cũng có phần đúng nhưng bữa cơm trưa hôm đó ngon thiệt chớ không phải tôi khen để lấy lòng. Trên bàn ăn có mấy món nhưng tôi hầu như chỉ ăn món cá cơm kho me lạ miệng mà thằng con trai lớn lên ở đất cao nguyên như tôi chưa bao giờ được ăn.
Tôi nhớ hôm đó là chủ nhật. Khoảng 8 giờ sáng, tôi và Tư Hùng đi uống cà phê ở chợ xã về thì Út Huệ đi ruộng cũng vừa về tới, tay cắp một rổ đầy với đủ thứ rau: bông súng, rau ngổ, rau cần, hẹ nước, cải trời, rau mác, kèo nèo… có thêm mấy cái bắp chuối xiêm và chùm me chín.
Em đặt cái rồi xuống, bảo tôi: “Mấy anh ở không thì lặt rau giùm em”. Nói rồi cô út lại lấy cái rổ quày quả đi. Tôi chạy theo: “Đi đâu, cho anh đi với?”. Út Huệ cười: “Em đi đón ghe đáy”. Tôi nghe cái từ “ghe đáy” thấy lạ lạ nên càng quyết liệt đòi theo. Hai đứa tôi đi ra bờ sông ngồi chờ. Con sông Hậu rộng mênh mang, xa xa có những chấm đen đen mà Út Huệ nói đó là các trụ đáy. Người ta giăng lưới ngoài đó. Lát nữa họ sẽ mang cá vô bờ bán.
Chẳng biết sao tôi lại mong người ta lâu lâu hãy mang cá vô bờ. Bởi với thằng con trai 22 tuổi như tôi, được ngồi cạnh một nàng tiên như Út Huệ thì thời gian dài bao nhiêu cũng thấy ngắn. “Chắc anh Trung chưa bao giờ về miền Tây hả?”- Út Huệ ngước cặp mắt đen thui nhìn tôi. Tôi trả lời đã về vài lần và thấy miền Tây mỗi nơi có vẻ đẹp riêng. “Vậy chớ về Long Xuyên, anh thấy thế nào?”- cô bé tinh nghịch nhìn tôi.
“Con gái Long Xuyên rất đẹp”- tôi trả lời không cần suy nghĩ. Chính lúc đó, tôi thấy hai má Út Huệ đỏ hồng như một minh chứng cho nhận xét của mình. Em cười: “Anh mới về một lần, làm sao biết hết mà khen?”. Nhưng tôi vẫn quả quyết như vậy.
Không chỉ đẹp mà Út Huệ còn giúp tôi “nâng cao nhận thức” về “công, dung, ngôn, hạnh” của các cô thiếu nữ miền Tây. Chỉ với mấy con cá cơm nhỏ xíu bằng đầu tăm mà Út Huệ đã cho tôi cảm giác được thưởng thức đỉnh cao của nghệ thuật ăn uống.
Con cá cơm mờm là cá cơm đầu mùa. Khoảng tháng ba âm lịch, các ghe đáy bắt đầu vào vụ cá cơm mờm. Khi nghe Út Huệ nói lưới dùng để bắt cá cơm mờm “khít như vải mùng”, tôi lo lắng: “Như vậy thì bắt hết cả cá mẹ, lẫn cá con, mai mốt hết cá lấy gì bắt nữa?”. Cô bé lắc đầu: “Em không biết nhưng làm sao mà hết được?”.
Rồi em nói bằng chứng là năm nào tới tháng, tới ngày cũng có cá cơm mờm. “Con nước sau cá lớn một chút thì phải cắt bỏ lườn, nếu không ăn sẽ mắc cổ”- Út Huệ nói với tôi khi hai đứa ngồi ở sàn nước rửa cá. Những con cá nhỏ xíu, màu hồng nhạt, có cảm giác phải rất nhẹ tay khi rửa, nếu không nó sẽ nát nhừ.
Món cá cơm mờm kho me của Út Huệ rất đơn giản. Em chặt trái dừa xiêm cho vô nồi bắt lên bếp rồi lột mấy trái me chín bỏ vô. Vừa lột me, em vừa giải thích: “Me này ba để dành cho mấy đứa bạn em mỗi lần về chơi có cái để ăn nên không hái xuống. Cứ để trên cây tới tháng tư, tháng năm cũng chưa bị hư”.
Khi nước dừa và me sôi lên, Út Huệ cho thêm cọng hành lá đập dập, mấy trái ớt sừng còn xanh, chút bột ngọt, nước màu, sau đó cho cá vào. Đợi nồi cá sôi trở lại, vớt bọt rồi tắt lửa, cho hành lá, nước mắm vào nêm nếm cho vừa ăn.
Cá cơm kho me múc ra tô, lấy đũa dầm cho trái ớt nát nhừ. Ngửi mùi cá kho, nhìn các sắc màu trong tô cá, tôi có cảm giác từng đàn kiến đang cắn rát trong bụng. Tư Hùng lấy cái ruột bắp chuối trắng nõn đưa cho tôi: “Chấm nước cá ăn thử coi”. Tôi cho miếng bắp chuối đập dập vào tô cá, kẹp thêm mấy con cá rồi đưa lên miệng. Cảm giác chát chát, chua chua, ngọt ngọt, cay cay… hòa lẫn vào nhau khiến tôi có cảm giác mình đang ăn một thứ gì đó chưa từng trải qua trong đời. Những lần sau, tôi lấy các thứ rau gói lại rồi chấm nước cá. Lại nhắm mắt, nhai, nuốt… “Anh ăn thử cá cơm lăn bột chiên đi”- Út Huệ nhắc.
Nhưng tôi chỉ chăm chăm một món. Nói ra thì kỳ và có vẻ như mình lần đầu tới nhà người ta mà để lại ấn tượng không tốt vì cái tật tham ăn, nhưng mà tôi phải công nhận là cái món cá cơm mờm kho me nó rất giản dị nhưng lại thơm ngon đến bất ngờ. Tôi không biết mình có thiên vị hay không chứ mấy hôm ở nhà, món gì Út Huệ làm, tôi cũng thấy ngon. Ngay cả cái việc cô bé cẩn thận vắt chanh vào miếng bắp chuối đập dập để giữ cho bắp chuối không bị thâm đen, tôi cũng nhận ra cái tinh tế trong đó.
12 năm đã qua. Tôi ra trường, đi học, đi làm, ra nước ngoài học tập, công tác nhưng mỗi lần có dịp là tôi lại về Long Xuyên. Đúng mùa thì được ăn cá cơm mờm kho me, sớm hoặc muộn thì được ăn những thứ khác. Tôi nhận ra tình yêu thương Út Huệ dành cho tôi, nỗi nhớ mong khắc khoải trong đôi mắt đau đáu đợi chờ. Chỉ duy nhất một điều tôi không nhận ra, thời gian là một thứ thuốc độc vô hình. Tôi cứ đi, còn Út Huệ thì không thể cứ đợi chờ…
Hôm nay bỗng dưng tôi nhớ Út Huệ là bởi Tư Hùng vừa gọi điện bảo tôi về ăn cá linh đầu mùa. Chắc hẳn là anh đã kiếm được cho tôi một cô gái khác như đã hứa. Tôi hẹn vài bữa nữa sẽ về. Không biết lần này, người kho cá linh cho tôi ăn có ngon như món cá cơm mờm kho me của Út Huệ hay không?
Thôi thì chứ trông chờ vào duyên phận vậy…