Ba mẹ tôi có một vườn dưa leo trồng đằng sau nhà. Ngày tôi còn nhỏ thường thấy mẹ hái những quả dưa leo xanh mướt, thon dài đem ra chợ bán. Mẹ nói mấy quả dưa leo đẹp người ta mới thích mua, rồi mẹ sẽ lấy tiền đó phụ mua mắm, muối, tiêu, đường trong nhà. Những quả dưa leo nhỏ xíu, èo uột mẹ giữ lại làm thành những hũ dưa mắm xếp ngay ngắn trong bếp, để phòng những ngày mưa gió nhà thiếu thốn có cái ăn.
Thật vậy, những ngày trời mưa gió là những ngày mau đói bụng nhất nhưng cũng lại là những ngày thiếu thốn nhất. Mấy đứa nhóc là tôi chỉ mong mau mau tới bữa cơm để được no căng cái bụng mà không hề hay biết ba mẹ tôi đang lo lắng chạy ăn cho từng bữa cơm và cho cả mùa mưa dài đằng đẵng phía trước.
Bữa cơm những ngày mưa gió nhiều khi chỉ là nồi cơm độn từng lát khoai lang phơi khô ăn kèm với dưa mắm vậy mà tụi tôi ăn ngon lành, ngấu nghiến đến no căng cả bụng mà không để ý đến gương mặt buồn bã của ba mẹ. Sau này tôi mới hiểu có ba mẹ nào nhìn mâm cơm chỉ có mỗi đĩa dưa mắm mà không cảm thấy xót xa cho bầy con thơ?
Sau này khi cuộc sống bớt khó khăn, những mùa mưa không kéo dài lê thê trong bữa cơm luẩn quẩn mỗi món dưa mắm nữa. Bữa cơm giờ đây đã có cá thịt ê hề nhưng cái kí ức về những ngày ấu thơ vẫn khiến tôi thòm thèm cái vị mặn mà, giòn tan và cay cay của món dưa mắm.
Trước khi lên Sài Gòn trọ học, tôi nài nỉ mẹ làm cho tôi một hũ dưa mắm mang theo, mẹ tặc lưỡi nói: "Con bé này lạ ghê, bao nhiêu món không thèm, lại thèm cái món dưa mắm".
Nói rồi mẹ lại lội ra sau vườn, hái những trái dưa leo non tươi xanh mơn mởn bổ dọc cắt xéo thành từng miếng nhỏ vừa ăn. Tôi phụ mẹ rắc muối vào dưa đợi cho muối tan thấm vào dưa trong vài tiếng. Sau đó đem dưa rửa sạch, vắt cho ráo nước, nhẹ tay để tránh làm dưa bị nát. Trộn dưa với tỏi ớt xắt lát cho thơm rồi xếp sẵn vào hũ thủy tinh chờ mẹ.
Trong khi đó mẹ nấu nước mắm đường là hỗn hợp của đường, nước mắm và một ít nước sôi để nguội nấu cho đến khi hỗn hợp đặc quyện lại. Trong lúc nấu phải thường xuyên dùng đũa quậy đều để canh nước mắm đường vừa quyện lại mà không bị quá lửa cho vị đắng không ngon. Phải chờ cho nước mắm đường thật là nguội mới đổ vào hũ thủy tinh có dựng sẵn dưa, đậy kín nắp. Vậy là món mắm dưa bắt cơm đã hoàn thành.
Đợi dăm bữa khi nước mắm ngấm vào từng miếng dưa và cái màu xanh tươi của dưa leo chuyển thành màu nâu vàng cánh gián đẹp mắt là ăn được.
Khi ăn, dùng đũa sạch gắp dưa ra rồi trộn thêm ít đường, tỏi, ớt là đã có món dưa mắm tuyệt hảo ăn kèm cơm nóng mà không sợ ngán, chỉ sợ thủng nồi.
Dưa mắm ngon đạt chuẩn là phải có độ giòn, nhai nghe tiếng rạo rạo trong miệng rất đã. Dưa có vị mặn nhưng không mặn chát và có chút vị cay xè của ớt, thơm thoang thoảng của tỏi là ngon.
Hũ dưa mắm có thể trữ ăn trong vòng vài tháng nhưng chẳng bao giờ tôi để mặc hũ dưa được tới cuối tháng. Hầu như ngày nào dù cho mâm cơm đã đầy đủ món ăn, tôi vẫn bày ra một đĩa dưa mắm mới thấy bữa cơm đủ đầy trọn vẹn.
Những ngày trời mưa rả rích, lòng tôi lại dâng lên nỗi nhớ về những ngày tháng xưa cũ. Ngày xưa nghèo là vậy, thiếu thốn trăm bề là vậy mà sao bữa cơm nào cũng thấy ngon lành, no đủ. Đó là bởi có bàn tay của ba mẹ xới từng chén cơm, gắp từng miếng dưa mắm mặn mòi, giòn tan mong cho bầy con thơ mau lớn, khỏe mạnh, thành người.