Móng giò hầm thuốc Bắc
Hồi nhỏ, tôi cứ nghĩ thuốc bắc là thuốc hái ở miền Bắc và món ăn kết hợp với các vị thuốc này là đặc trưng của người ngoài ấy. Sau này lớn lên tôi mới hay thuốc Bắc là cách gọi từ xưa của người dân Việt Nam ta đối với các loại thuốc sử dụng trong đông y của Trung Quốc. Và người Hoa đã đem các món ăn này du nhập vào Việt Nam, nổi tiếng nhất có lẽ là món vịt tiềm.
Người Việt Nam đã sáng tạo ra rất nhiều món ăn kết hợp với từng vị thuốc phù hợp như gà, ngọc dương, chim cút, móng giò…
Mẹ tôi nuôi lợn, lần nào xuất chuồng bà cũng dặn lò mổ để lại các móng giò để hầm thuốc bắc đãi cả nhà. Đây là món rất bổ dưỡng, phù hợp bồi bổ cho người gầy ốm hoặc người vừa hết bệnh.
Nguyên liệu:
Móng giò
- 4 móng chân giò
- Sả, tần dày lá
- 1 gói thuốc bắc bán sẵn dùng cho nấu ăn ở ngoài tiệm.
- Mua thêm 100 gram táo tàu đỏ, 50 gram kỷ tử và 2 nhánh hoa hồi.
- Hành tím, 1 củ gừng nhỏ.
- Dầu ăn, muối, bột nêm, tiêu bột, mắm ngon, rượu trắng.
Hoa hồi
Cách làm:
- Móng giò làm sạch, thui qua lửa, chà sạch với sả và tần dày lá cho dậy mùi thơm. Dùng dao xẻ mặt trong của móng giò để khi hầm dễ thấm gia vị.
- Chần sơ móng giò bằng nước sôi với gừng, rượu trắng; vớt ra để ráo.
- Thuốc bắc, kỷ tử và hoa hồi rang trên chảo nóng, khi rang chú í đảo để không bị cháy.
Rang thuốc bắc trên chảo cho nóng
- Hành tím xiên cây nướng trên than hồng.
Hành tím nướng trên than hồng
- Khử nóng dầu ăn trên xoong vừa, sâu đáy; cho móng giò vào đảo đều. Cho nước ngập móng giò khoảng 2 đốt ngón tay. Nêm muối, bột nêm, tiêu mắm ngon, đun lớn lửa chừng 45 phút. Tiếp tục cho thuốc bắc, kỷ tử, hoa hồi, hành tím nướng vào và vặn nhỏ lửa. Nấu đến khi nào lấy chiếc đũa ấn nhẹ thấy móng giò mềm là dùng được.
Món móng giò hầm thuốc bắc nên dùng nóng.
Móng giò hầm thuốc bắc rất bổ dưỡng, phù hợp cho người mới khỏi bệnh