Bánh ú tro và cơm rượu, món ăn không thể thiếu trong Tết Đoan ngọ
Hằng năm cứ đến mùng 5 tháng 5 âm lịch, má tôi lại chuẩn bị mâm cổ cho ngày Tết Đoan ngọ. Ngoài những món ăn truyền thống như xôi, chè, vịt nấu cháo, bánh xèo… mâm cỗ nhà tôi không bao giờ thiếu bánh ú tro và cơm rượu.
Để chuẩn bị làm bánh ú tro và cơm rượu, mấy ngày trước đó má tôi đã đi chợ mua nếp, đậu xanh cùng các nguyên liệu khác. Nhất là nếp để làm bánh, bao giờ má cũng chọn loại nếp thật dẻo, đem đi vo sạch, cho nếp vào chậu nước lạnh có thêm chút muối, ngâm qua đêm, sau đó vớt ra để ráo. Ngày đó, má tôi thường dùng tro của rơm rạ, cho vào cái lu sau nhà và lọc lấy nước trong, tiếp tục cho nếp vào ngâm thêm 5-6 tiếng nữa. Sau đó má gút nếp cho thật sạch, trộn với chút dầu ăn. Riêng phần đậu xanh làm nhân bánh cũng được má tôi ngâm qua nước ấm mới đem đi nấu chín, dùng đũa bếp đánh cho tan đều. Má bắc chảo lên bếp, cho vào đó ít dầu ăn, đường và chút nước, đun sôi cho đường tan chảy, mới cho tiếp đậu xanh vào, xào cho đến khi hỗn hợp sánh lại má tắt bếp, để nguội vò thành từng viên nhỉnh hơn đầu ngón tay cái.
Bánh ú tro
Ngày đó, mọi chuyện hầu như má tôi đảm nhận hết. Tôi chỉ có nhiệm vụ ra sau nhà, hái cho má mớ lá tre tàu, lau cho thật sạch. Bấy giờ má tôi bắt đầu gói bánh. Má nhanh tay cuốn đầu lá tre thành hình phễu và cho gạo nếp vào, đặt phần nhân vào giữa và tiếp tục thêm chút gạo để phủ kín nhân. Má ấn nhẹ tay cho mặt nếp phẳng và gấp các góc lại rồi dùng dây buộc chặt. Đôi tay má làm thoăn thoắt và chỉ một loáng là mớ bánh đã xong. Má cột bánh thành từng chùm 10 chiếc, đem đi hấp.
Má tôi dùng chiếc nồi to, đun nước thật sôi rồi thả bánh vào luộc. Bao giờ má cũng canh nước cho ngập mặt bánh và khi nấu vẫn không quên châm thêm nước vào nồi. Nấu khoảng 2 tiếng, bánh đã chín, má liền vớt ra, nhúng ngay vào nước lạnh, đem treo lên chỗ thoáng mát.
Ngày ấy, anh em chúng tôi ngồi canh nồi bánh mà lòng hớn hở vì sắp được thưởng thức món bánh ú tro ngon nhất xứ của má. Bởi những chiếc bánh có lớp vỏ màu vàng bắt, hạt nếp trong veo mà khi ăn vào rất dẻo, mềm cùng phần nhân béo, bùi, ngọt đậm đà. Không cần đợi bánh nguội, chúng tôi xin má ăn ngay những chiếc bánh còn nóng mặc cho chúng hơi khó lột. Đến chiều trước ngày Tết, má sai chị tôi đem biếu bà con chòm xóm mỗi người 1 chục bánh như là món quà nhỏ trong ngày Tết Đoan ngọ.
Cơm rượu nếp cẩm cho ngày Tết Đoan ngọ
Mấy năm nay, má tôi tuổi cao sức yếu nên chị em tôi không cho má làm bánh nữa. Và để không thiếu bánh ú tro trong mâm cỗ ngày Tết, chị tôi đã đặt mua bánh ở ngoài chợ. Nhưng thú thật, bánh bên ngoài có khi lạt, khi ngọt hoặc vỏ bánh có vị nhân nhẫn… không bao giờ ngon bằng bánh do chính tay má tôi làm. Bởi vậy mỗi khi Tết Đoan ngọ đến, tôi lại nhớ những chiếc bánh ú tro nho nhỏ, xinh xinh mang hương vị ngày xưa mà má hay làm cho chúng tôi ăn thuở nào.
Món ăn truyền thống cho ngày Tết Đoan ngọ