Gã khổng lồ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe dự kiến sẽ công bố rằng hơn 75% số người khiếu nại cáo buộc sản phẩm phấn rôm của Johnson & Johnson là nguyên nhân gây bệnh.
Johnson & Johnson đang lên kế hoạch cho một công ty con nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào tuần tới để tiến hành thỏa thuận này. Sự ủng hộ từ 75% số người yêu cầu bồi thường là điều kiện bắt buộc theo luật để thẩm phán có thể chấp thuận thỏa thuận phá sản mà Johnson & Johnson đã đề xuất. Ngày cuối cùng để bỏ phiếu là 26 tháng 7.
Công ty khẳng định sản phẩm bột talc của họ là an toàn và không gây ung thư. Một nguồn tin cho biết lịch trình công bố hỗ trợ giải quyết cho những người yêu cầu bồi thường và khởi xướng hồ sơ phá sản của Johnson & Johnson, một thông tin chưa từng được báo trước, vẫn còn đang được điều chỉnh và có thể thay đổi.
Đầu tuần này, Johnson & Johnson tiếp tục quá trình kiểm tra phiếu bầu từ những người yêu cầu bồi thường. Mặc dù vậy, công ty kỳ vọng sẽ nhận được sự ủng hộ cần thiết, để đưa bản giải quyết đề xuất trước thẩm phán giúp xin phê duyệt, theo nguồn tin cho hay.
Theo tài liệu của công ty, Johnson & Johnson đang phải đối mặt với các vụ kiện liên quan đến bột talc từ hơn 62.000 nguyên đơn. Tuy nhiên, số lượng này có thể tăng lên đến 100.000, bao gồm cả những người khiếu nại chưa đưa ra kiện tụng, theo Erik Haas, Phó Chủ tịch phụ trách kiện tụng toàn cầu của Johnson & Johnson.
Sau khi bị tòa án liên bang từ chối hai lần, Johnson & Johnson đang nỗ lực kết thúc vụ kiện liên quan đến phấn rôm thông qua một chiến lược được gọi là "phá sản hai bước ở Texas".
Chiến lược này gồm hai giai đoạn: trước tiên là chuyển giao trách nhiệm liên quan đến bột talc sang một công ty con mới thành lập, sau đó công ty này sẽ xin phá sản theo chương 11.
Mục đích là dùng phương pháp này để đưa tất cả các yêu cầu bồi thường vào thỏa thuận giải quyết mà không yêu cầu J&J phải xin phá sản.
Nhiều luật sư đại diện cho hàng chục nghìn nạn nhân ung thư đang phản đối kế hoạch này và bước vào một cuộc chiến pháp lý gay gắt với công ty.
Các bước phá sản trước đây của Johnson & Johnson đã bị tòa án tại New Jersey, nơi đặt trụ sở chính của công ty, bác bỏ, do công ty con không đáp ứng được "tình trạng khó khăn về tài chính" cần thiết để được bảo vệ theo chương 11.
Lần này, J&J dự định cho công ty con của mình nộp đơn phá sản tại Texas, nơi mà một số chuyên gia pháp lý cho rằng họ có thể nhận được quan điểm khác về tiêu chuẩn khó khăn về tài chính.
Kế hoạch hiện tại của Johnson & Johnson có một số điểm khác biệt so với hai kế hoạch trước đó. Đề nghị mới nhất này nhằm giải quyết các cáo buộc cho rằng bột talc của công ty gây ra ung thư buồng trứng và các loại ung thư phụ khoa khác, đây là những khiếu nại chính mà J&J phải đối mặt.
Kế hoạch này không bao gồm các khiếu nại khác như những nguyên đơn cáo buộc, rằng bột talc có chứa amiăng đã gây ra bệnh u trung biểu mô, một dạng ung thư chết người ảnh hưởng đến lớp mô mỏng bao phủ nhiều bộ phận trong cơ thể. Johnson & Johnson khẳng định sản phẩm của họ không chứa amiăng.
Trước đó, công ty đã giải quyết hầu hết các vụ kiện về bệnh u trung biểu mô ngoài tòa án phá sản, cũng như các khiếu nại từ các tiểu bang cáo buộc Johnson & Johnson đã đánh lừa người tiêu dùng về tính an toàn của bột talc.
Những thỏa thuận này đã giúp giảm bớt sự phản đối, làm suy yếu các nỗ lực phá sản hai bước trước đó của công ty.
Lần này, Johnson & Johnson cũng đã yêu cầu tiến hành bỏ phiếu dàn xếp trước khi nộp đơn xin phá sản, trong khi các vụ kiện chương 11 trước đây cho phép bỏ phiếu sau khi đã nộp đơn.
Trong hệ thống tòa án sơ thẩm, ngược lại với tòa án phá sản, bất kỳ thỏa thuận nào mà Johnson & Johnson đạt được với một số khách hàng vẫn để ngỏ khả năng cho những người phản đối hoặc nguyên đơn trong tương lai khởi kiện, tiềm ẩn nguy cơ buộc công ty phải chịu các phán quyết trị giá hàng tỷ USD - điều đã thúc đẩy công ty theo đuổi chiến lược hai bước ngay từ đầu.
Tuy Johnson & Johnson thắng phần lớn các vụ kiện đi đến xét xử, nhưng công ty đã phải chịu một thất bại đáng kể tại Missouri với phán quyết 2,1 tỷ USD cho các nạn nhân ung thư buồng trứng.