Theo đó, có lịch trình ngủ ổn định và đều đặn có thể giúp làm chậm quá trình lão hóa sinh học, theo tờ New York Post.
Các nhà khoa học từ Đại học Augusta (Mỹ) đã xem xét kiểu cách ngủ của hơn 6.000 người tham gia ở độ tuổi trung bình là 50. Họ được đeo thiết bị theo dõi giấc ngủ để ghi lại giờ ngủ và thời lượng giấc ngủ cũng như một số dấu hiệu khác.
Những người tham gia cũng trả lời bảng câu hỏi về thói quen sống của họ.
Các tác giả đã phân tích mẫu máu của người tham gia để xác định tuổi sinh học và các dấu hiệu sức khỏe của họ, như mức cholesterol, bệnh tiểu đường và bệnh thận.
Khoảng 65% số người tham gia ngủ từ 7-9 tiếng mỗi đêm, trong khi 16% ngủ dưới 7 tiếng và 19% ngủ hơn 9 tiếng.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng trung bình, những người tham gia ngủ thêm 78 phút vào cuối tuần và thời gian đi ngủ của họ chỉ thay đổi 60 phút mỗi đêm.
Kết quả đã phát hiện ra rằng những người có giờ ngủ đều đặn nhất và thời lượng ngủ cũng đều nhau trong suốt cả tuần, có tuổi sinh học trẻ nhất, theo New York Post.
Ngược lại những người có sự khác biệt lớn nhất về giờ đi ngủ và thời lượng ngủ giữa các ngày trong tuần so với cuối tuần, có tuổi sinh học già nhất.
Đặc biệt, những người có giờ ngủ thất thường có tuổi sinh học già hơn.
Nghiên cứu đã kết luận rằng những người có thói quen ngủ không nhất quán có tuổi sinh học già hơn so với những người có lịch trình ngủ đều đặn.
Các tác giả viết: Từ kết quả đo được, chúng tôi nhận thấy việc có giấc ngủ thay đổi nhiều hơn, ngủ bù nhiều hơn, giờ ngủ thất thường hơn, dẫn đến tình trạng lão hóa sinh học tiến triển cao hơn.
Theo Cleveland Clinic, thiếu ngủ thường xuyên cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, vì nó có thể ảnh hưởng đến hoóc môn gây căng thẳng, từ đó có thể làm tăng huyết áp.
Nó cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và sức khỏe tâm thần.
Các tác giả viết: Bởi vì thói quen đi ngủ thất thường là yếu tố có thể thay đổi được, nên phát hiện của chúng tôi cho thấy tập thói quen ngủ đều đặn có thể là cách mới để kéo dài tuổi thọ khỏe mạnh, theo New York Post.
Tư thế ngủ nào tốt nhất?
Khi bạn đã làm mọi cách mà vẫn không có giấc ngủ ngon, chuyên gia cho rằng có thể tư thế ngủ của bạn không phù hợp.
Ảnh minh họa
Tiến sĩ tâm lý học thần kinh Sanam Hafeez, giám đốc trung tâm trị liệu tâm lý Comprehend the Mind ở New York, cho biết mỗi người có một tư thế ngủ khác nhau tùy thuộc vào thói quen cá nhân hay sức khỏe.
Về mặt tổng thể, theo Hafeez, tư thế nằm ngửa, nằm nghiêng và bào thai (nằm nghiêng, cúi đầu về phía trước, cong lưng dưới và co đầu gối lên gần ngực) là tốt nhất để có một giấc ngủ ngon.
"Ở các tư thế này, lưng có thể giúp giữ cho cột sống ở vị trí cân bằng, giảm nguy cơ phát triển các cơn đau", chuyên gia nói. Tuy nhiên, nếu bạn gặp chứng trào ngược dạ dày, ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ, không nên nằm ngửa. "Trường hợp này nên ngủ nghiêng, giúp lưỡi không bị tắc ở cổ họng và trở thành vật cản cho axit dạ dày trào ngược lên thực quản", tiến sĩ nói.
Ngược lại, tư thế ngủ với cánh tay kê dưới đầu hoặc gối là tồi tệ nhất. Tiến sĩ Devin Bruke, CEO Trung tâm khoa học về giấc ngủ Mỹ giải thích, để một cánh tay dưới gối làm giảm lưu lượng máu và gây áp lực lên dây thần kinh, dẫn đến cảm giác ngứa khắp cơ thể.
Hầu hết mọi người thay đổi tư thế ngủ 20-30 lần mỗi đêm một cách vô thức. Nếu bạn thức dậy mà không thấy đau, mỏi có thể đã tìm được tư thế ngủ tốt cho mình. Tuy nhiên, nếu bạn khó ngủ và cảm thấy đau nhức khi thức dậy, bạn nên thử thay đổi tư thế.
Tiến sĩ Hafeez khuyên bạn nên thực hiện những thay đổi dần dần. "Nếu bạn đã quen với việc nằm sấp khi ngủ, hãy thử nằm nghiêng hoặc nằm ngửa một khoảng thời gian trong đêm", chuyên gia tư vấn.
Ngoài ra, bạn cần phải chọn cho mình tấm nệm chất lượng và gối phù hợp, giúp hỗ trợ cho tư thế ngủ ưa thích.