Chăm sóc thể hình cũng là cách làm đẹp của đàn ông - Ảnh: T.T.D.
Một làn da ổn, đi kèm phong cách ăn mặc phù hợp, giúp nam giới tự tin, hòa nhập xã hội đến 90%. Đó là những lý do để đàn ông làm đẹp!
Trong một lần trò chuyện, người viết được bạn là nam giới tư vấn quy trình chăm sóc da gồm 5 bước mà anh đã áp dụng và cảm thấy hiệu quả với làn da của mình.
Làm việc trong giới giải trí, anh cần một vẻ ngoài chỉn chu để xuất hiện trong các sự kiện lớn mà không cảm thấy lạc lõng hay lép vế. Chỉ trong vài tháng, da anh cải thiện hẳn từ sắc tố, độ mịn, lỗ chân lông và đặc biệt ít khi lên mụn.
Bên cạnh chủ đề tình yêu, xã hội, những chủ đề gây hằn sâu sự khác biệt giới tính thì đàn ông và đàn bà ngày nay có thể trò chuyện hòa hợp về chủ đề làm đẹp. Sẽ rất tốt nếu một cặp yêu nhau có cùng một loại da: khô nhạy cảm hoặc dầu dễ mụn.
Đổi thay hợp thời
"Male grooming" ("đàn ông chải chuốt" hay trung tính hơn là "đàn ông làm đẹp") là thuật ngữ ngày càng phổ biến trong văn hóa đại chúng mà không hề mang nghĩa tiêu cực hay giễu cợt. Thuật ngữ này chỉ nam giới đầu tư vào vẻ đẹp ngoại hình và phong cách thời trang của bản thân. Đi kèm với lối sống này chính là những thói quen như quan tâm chăm sóc da hơn, mua sắm đồ thời trang.
Theo Telegraph, việc đàn ông làm đẹp được các nhà sử học chứng minh là có từ thời Ai Cập cổ đại. Khi đó, đàn ông để râu tóc dài để được coi là "nam tính", phỏng theo hình tượng của vua chúa và các vị thần, đặc biệt là thần địa ngục Osiris.
Trải qua nhiều thời đại, không biết từ lúc nào, đàn bà được mệnh danh là "phái đẹp" và việc làm đẹp được coi như quyền độc tôn của nữ giới.
Cho đến khi đàn ông "vùng lên" trở lại trong ngành làm đẹp, biến làm đẹp cho nam giới trở thành một nền công nghiệp khổng lồ với sự tham gia của những thương hiệu mỹ phẩm, thời trang lâu năm nhất thế giới và cả những thương hiệu nhỏ, mới lập. Theo tổ chức nghiên cứu IMARC, ngành công nghiệp này có thể đạt giá trị 78 tỉ USD vào năm 2023.
Cách đây 20 năm, việc một người đàn ông chăm chỉ sử dụng sữa tắm để làm sạch cơ thể có khi còn lạ lẫm. Nhưng hiện nay, xã hội đã dần quen với hình ảnh người đàn ông dùng những sản phẩm chăm sóc cơ thể.
Không thể không kể đến các sản phẩm làm sạch cá nhân (dầu gội, dầu xả, sữa tắm, xà phòng), sản phẩm cạo râu, sản phẩm mùi hương (không chỉ là nước hoa mà còn có nước thơm sau cạo râu, sáp thơm cho quần áo).
Đó chỉ mới là một khâu nhỏ, gói gọn trong 4 bức tường nhà, trong quá trình làm đẹp đầy phong phú của đàn ông. Khi một người đàn ông bước ra đường, anh ta sẽ bị vây kín bởi các sản phẩm tạo kiểu tóc, sản phẩm ngăn mùi, chống đổ mồ hôi dưới dạng xịt hoặc gel…
Không chỉ đẹp mà còn vì sức khỏe
Thật bất công nếu nhắc đến trào lưu làm đẹp của đàn ông như một điều đáng xấu hổ. Tệ hơn, có quan niệm cho rằng chỉ những người đồng tính nam mới chăm chăm làm đẹp, "đàn ông thẳng không ai làm thế".
Theo ghi nhận của Fashion Beans, người đồng tính nam có tác động tích cực đối với ngành làm đẹp nam giới từ thập niên 1970, khi họ tạo ra một số xu hướng thời trang vẫn còn ảnh hưởng đến ngày nay. Sau đó, vào thập niên 1990 và 2000, hình tượng đàn ông thẳng nhưng chải chuốt đến tận "chân răng" như David Beckham được ưa chuộng.
Beckham chính là một trong những nhân vật tiên phong của khái niệm "metrosexual’" (đàn ông chăm chút vẻ bề ngoài) trên thế giới. Chính vì tiên phong, anh đi trước thời đại khá xa. Vào thập niên 2010, phong cách sống này mới bùng nổ khi chạm đến đại chúng, đi thẳng từ các trang báo làm đẹp vào tận phòng tắm của đàn ông khắp thế giới.
Đó là về mặt giới tính, còn nếu xét theo tính xã hội và sức khỏe, ai cũng có quyền làm đẹp theo ý muốn và để cải thiện tình trạng sức khỏe của bản thân, dù ở bất kỳ giới tính nào.
Trong thời đại ngày nay, khi môi trường sống đầy ắp những yếu tố làm hại làn da và cơ thể, một vẻ ngoài ưa nhìn nhiều khả năng đồng nghĩa với một cơ thể khỏe mạnh.
Da đẹp thì 100% đồng nghĩa với da sạch và khỏe. Để da đẹp, người ta cũng phải làm quen với những thói quen tích cực như ngủ sớm, ngủ đủ, uống nhiều nước và ăn thực phẩm sạch.
Đó là chưa kể, ngày nay chúng ta tin rằng vẻ đẹp của con người phần lớn nằm ở thần thái. Và một con người yếu ớt rất khó có một thần thái thu hút. Tương tự, một con người chăm chỉ tập luyện thể hình và ăn uống điều độ để có cơ thể cân đối thì ít nhất cũng đáp ứng được một vài định nghĩa về khỏe mạnh.
"Lối sống hiện nay, trong công việc cũng như trong cuộc sống gia đình, đòi hỏi nhiều sức lực và đang hủy hoại người đàn ông hiện đại. Họ dành một phần lớn của cuộc sống cho mục tiêu nghề nghiệp và tiền bạc. Đằng sau những cuộc chạy đua ấy là sự gửi gắm của người vợ, người yêu hay những đứa con" - tiến sĩ Ewa Kempisty-Jeznach viết.
Bạn không còn giống ba bạn ngày xưa
Xu hướng làm đẹp đang lên ở đàn ông? "Thật tuyệt vời khi một người đàn ông đích thực không còn tỏa ra mùi mồ hôi, bụi bặm và thuốc lá. Thay vào đó, cơ thể anh ta thơm phức mùi mỹ phẩm. Vậy thì, đâu là giới hạn đích thực của các giới?", nữ tiến sĩ Ewa Kempisty-Jeznach (người Ba Lan) viết trong cuốn Sách chỉ dành cho đàn ông.
Tạp chí Forbes từng có bài nhận định: "Bạn không còn là người đàn ông giống ba bạn ngày xưa nữa", phản ánh tình trạng testosterone suy giảm.
David Beckham, nhân vật tiên phong trong trào lưu làm đẹp của đàn ông toàn cầu - Ảnh: WWD
Thực ra, lý do cho việc testosterone là vô cùng đa dạng: từ xã hội đến cá nhân, từ mô hình gia đình đến thị trường lao động (ngày nay phái nữ ngày càng vươn lên và chiếm ưu thế), từ thời trang đến thực phẩm và những thứ hóa chất bên trong chúng. Thậm chí, cả tình trạng trái đất nóng lên và... đồ lót chật cũng dự phần trong câu chuyện. Một nguyên nhân khó chịu nhất chính là stress do những áp lực từ cuộc sống hiện đại.
Đưa ra cách lý giải thiên về tâm lý, tiến sĩ Ewa Kempisty-Jeznach cũng kêu gọi thế giới quan tâm hơn đến tâm trí của đàn ông. Điều này rất cần thiết, trong khi chính đàn ông cũng đang tỏ ra quan tâm đến vẻ ngoài của mình nhiều hơn.
Forbes dẫn nguồn Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) cho biết trị liệu testosterone đang gia tăng. Cụ thể, tăng gấp đôi từ 2010 đến 2013. Trong khi đó, truyền thông cũng quảng bá rầm rộ về các biện pháp và sản phẩm nhằm gia tăng "hormon nam tính".
Điều đó đồng nghĩa với một cuộc khủng hoảng testosterone trên diện rộng: các nghiên cứu đều chỉ ra rằng testosterone đã và đang suy giảm trong mấy thập kỷ qua. Cụ thể hơn, hormon nam tính suy giảm rõ rệt từ thập niên 1980 đến nay, với tốc độ 1% mỗi năm, theo Tạp chí Nội tiết lâm sàng và chuyển hóa ở Mỹ.
Theo Forbes, trên thế giới, người ta chưa hề quy kết suy giảm hormon nam tính là một diễn biến tiêu cực. Việc này không hoàn toàn tích cực hay tiêu cực, mà có rất nhiều mặt. Đối với người này, đó có thể là "rối loạn chức năng nam giới" nhưng với người khác, đơn giản xã hội đang vận động phức tạp và đàn ông cần biến chuyển để không bị bỏ lại phía sau.
Dù sao, thế giới quanh ta đúng là luôn vận động và luôn có chỗ cho thay đổi.