Nguyên nhân khiến xuất huyết tiêu hóa
Xuất huyết tiêu hóa (hay còn gọi là chảy máu tiêu hóa) là một triệu chứng do nhiều nguyên nhân gây ra. Chảy máu có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào của ống tiêu hóa từ miệng tới thực quản, dạ dày, ruột và hậu môn. Mức độ mất máu có thể nhẹ tới vừa, thậm chí nhiều trường hợp chảy máu nặng gây mất máu nghiêm trọng đe dọa tới tính mạng bệnh nhân.
Khi bị xuất huyết tiêu hóa cần đến gặp bác sĩ ngay để tránh những hậu quả ngoài ý muốn (Ảnh minh họa)
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới xuất huyết tiêu hóa.
- Ở thực quản: Xơ gan có thể dẫn tới giãn tĩnh mạch thực quản, khi giãn quá mức, tĩnh mạch vỡ ra gây xuất huyết ồ ạt rất nguy hiểm; bệnh lý viêm thực quản do trào ngược dịch dạ dày lên thực quản, trong hội chứng Mallory-Weiss do bệnh nhân nôn, nôn khan, hoặc ho kéo dài dẫn tới viêm thực quản và vì vậy có thể gây xuất huyết.
- Ở dạ dày: Các nguyên nhân gây viêm loét dạ dày như: rượu, xoắn khuẩn Helicobacter pylori, aspirin và các thuốc chống viêm giảm đau, stress... hoặc các bệnh lý ác tính như ung thư dạ dày đều có thể gây xuất huyết tiêu hóa.
- Ở ruột: Loét hành tá tràng là nguyên nhân rất thường gặp gây xuất huyết. Chảy máu còn có thể do trĩ, bệnh polyp đại trực tràng, ung thư đại trực tràng, các bệnh lý khác như viêm loét đại trực tràng, bệnh Crohn. Ngoài ra có thể gặp các nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa: dị dạng mạch máu, bệnh máu, chảy máu đường mật...
Cách phòng tránh xuất huyết tiêu hóa
Theo chia sẻ của Bác sĩ Vũ Đức Chung - Chủ nhiệm khoa nội tiêu hóa A3, Bệnh viện 354 trên website của bệnh viện, để phòng bệnh xuất huyết tiêu hóa:
- Không nên uống rượu bia, hút thuốc lá quá nhiều, đặc biệt là các loại rượu mạnh.
- Không dùng các thuốc và thức ăn có hại cho dạ dày. Nên ăn tăng cường chất xơ và rau qủa để dạ dày hoạt động tốt hơn.
- Nên có ý thức tự bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách đi kiểm tra sức khỏe định kỳ.
- Đối với những bệnh nhân đang trong thời gian điều trị xuất huyết tiêu hóa cần dùng các thức ăn mềm, ăn thành nhiều bữa từ 4-5 bữa/ ngày.
- Nên ăn nhiều đồ ăn chứa tinh bột và chất khoáng như: cơm, mỳ, khoai và nhiều loại hoa quả chín, rau củ, sữa. Chúng chứa nhiều kali, có tác dụng giúp tiêu hóa tốt, giảm huyết áp ở người bệnh. Trung bình một quả chuối có 400mg kali, tương đương với 1 ly nước cam hay một củ khoai tây nướng.
- Tránh ăn thức ăn lên men chua, ăn nhiều muối, đồ cay nóng và nước ngọt có gas gây khó khăn cho bệnh nhân trong việc tiêu hóa, làm giảm chức năng gan, thận tăng nguy cơ của bệnh.
- Năng lượng trong khẩu phần nên giảm bớt để tránh tăng cân, giảm nhẹ hoạt động cho cỗ máy tiêu hóa và tuần hoàn. Mức năng lượng đưa và cơ thể nên dừng ở 30-35 Kcal/ kg cân nặng/ ngày.
Khi bệnh nhân bị xuất huyết, tùy theo mức độ và nguyên nhân mà có phương án điều trị thích hợp, nhưng trước hết phải theo những mục tiêu chung: chống sốc, cầm máu, khôi phục lưu lượng tuần hoàn, điều trị triệu chứng, điều trị theo nguyên nhân.
Việc điều trị xuất huyết tiêu hóa phải tùy thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ, nguyên nhân, vị trí chảy máu… Ngoài việc điều trị triệu chứng, cần ổn định các chức năng sống khi bị mất máu nặng, kết hợp dùng các thuốc co mạch, giảm tiết, kháng sinh… Bệnh nhân có thể được chỉ định nội soi can thiệp, qua đó rất nhiều trường hợp xuất huyết đã được xử lý tốt như: xử trí xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày – tá tràng, xử lý giãn tĩnh mạch thực quản bằng thắt vòng cao su…
Ở nước ta hầu hết các bệnh viện tuyến trung ương và một số bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện được thủ thuật này. Việc điều trị nội khoa đặc hiệu, làm thủ thuật hoặc phẫu thuật cho bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa có thể được chỉ định khi có sự cân nhắc của thầy thuốc chuyên khoa.