Chị Lê Phạm (áo dài tím) cùng ca sĩ Cao Mỹ Kim và NSƯT Trịnh Kim Chi tại hoạt động cho cộng đồng người khuyết tật được diễn ra vào cuối năm ngoái
Ngay trong lúc này đây, Hội thi Tiếng hát Người khuyết tật lần thứ 2 năm 2019 đang khởi động rộng khắp phía Nam và sắp tới sẽ là miền Bắc và miền Trung. Gặp gỡ người phụ nữ đã hết sức mình vì chương trình - giám đốc truyền thông Lê Phạm sẽ thấy được chị mạnh mẽ ra sao và sự tâm huyết chị dành cho chương trình nhiều đến nhường nào.
"Tất cả để có được một chương trình Hội thi Tiếng hát dành cho cộng đồng người khuyết tật, để họ được toả sáng, cống hiến, tự tin, và thêm nghị lực sống, vươn lên trong xã hội công ty Lê Phạm chúng tôi đã phải đi xin từng người thân, những người bạn thân đến xa lạ, mạnh thường quân mỗi khi chương trình diễn ra." – chị Lê Phạm chia sẻ.
Nguồn kinh phí cho hội thi Tiếng hát Người khuyết tật luôn là một nỗi lo canh cánh của chị Lê Phạm mỗi khi ai nhắc đến chương trình này
Quả thật là vậy, làm một chương trình ca nhạc hay một cuộc thi âm nhạc đâu phải chuyện dễ dàng, mà đặc biệt dành cho cả một cộng đồng người khuyết tật lại còn khó khăn gấp vạn. Thử nghĩ đến kinh phí từ đâu, người tham gia từ đâu và liệu họ sẽ sẵn sàng và đủ tự tin để cùng chương trình hay không cũng đã thấy không dễ dàng.
Đã vậy, chính chị cũng đang gánh vác một ý nghĩa nhân văn cho tổng thể chương trình, đó là làm sao mang được yêu thương từ chính lời ca tiếng hát xoa dịu nỗi đau, tiếp thêm động lực trong cuộc sống cho những số phận bất hạnh ấy. Qua hội thi chị vẫn luôn hy vọng cộng đồng người khuyết tật từ đó thấy được niềm vui, yêu thêm cuộc sống và tự tin thực hiện những điều họ hằng mơ ước. "Biết bao đêm trăn trở, suy tư và mệt mỏi, chỉ mong sao những mảnh đời kém may mắn kia được tự tin hoà nhập lao động và thể hiện tài năng của mình nhưng thật sự là đôi vai tôi còn nhỏ bé quá…" – chị chia sẻ đầy xúc động.
Chị Lê Phạm với đôi vai nhỏ bé vẫn đang và sẽ tiếp tục thực hiện những hoạt động ý nghĩa hơn cho cả cộng đồng và xã hội.
Chị tự nhận thấy "đôi vai nhỏ bé quá" nhưng những gì chị đã và đang làm không phải ai có tiềm lực cũng có thể làm được. Lê Phạm thực hiện mọi hoạt động này đều xuất phát từ chính cái tâm và nỗi đồng cảm, chính vì thế mọi khó khăn đối với chị đó chỉ là thử thách, chỉ giúp chị thêm tin vào cuộc sống, nghiệm ra được những giá trị nhân văn của đời và mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Dung dị và giản đơn chính là những điều chị Lê Phạm luôn hướng tới; chăm sóc và san sẻ may mắn cho cộng đồng người tàn tật đang còn mặc cảm với chính bản thân họ
"Để các bạn có được chương trình ý nghĩa, tôi đã đánh đổi thời gian, tiền bạn và cả thời gian cùng gia đình. Từ tháng 9 năm 2018 đến giờ tôi đã bỏ quên mình, mỗi lần lo cho các bạn, lo cho chương trình tôi lại thao thức vì làm sao để thực hiện một chương trình một cách chu toàn nhất, không tạm bợ được".
Chị chạy hết nơi này đến nơi khác, tìm kiếm nguồn kinh phí đủ lớn để chạy chương trình từ Nam chí Bắc sao cho suông sẻ đến phút cuối cùng. Chị kể, từ lúc trưởng thành có thể đi làm kiếm ra tiền, chị không bao giờ xin tiền bố mẹ. Vậy mà để thực hiện chương trình nhân văn này, chị đã phải vận động mọi nguồn lực từ gia đình, bạn bè đến cả những người bạn xa lạ, những mạnh thường quân để tìm kiếm không chỉ là sự đồng cảm, trên hết là nguồn tài trợ cho chương trình mà đối với chị là cả một đời sống tinh thần đầy giá trị.
Bởi vì chị luôn tâm niệm, cuộc sống của chị may mắn hơn các bạn, chị luôn mong mình có thể san sẻ chút nào đó những may mắn ấy không bằng cách này thì sẽ bằng cách khác đến những mảnh đời đầy thương cảm, để truyền đến cộng đồng người khuyết tật một niềm tin vào cuộc sống về sự bình đẳng trong xã hội mà lâu nay họ vẫn mặc cảm cho rằng họ chưa từng có.
Trong tháng 3 này, Hội thi Tiếng hát Người khuyết tật sẽ khởi động với những buổi thi tại miền nam (12 và 13-3). Để nhân rộng sự sẻ chia, hội thi còn được mang đến khu vực miền Bắc vào tháng 4. Sang tháng 5, khu vực miền Trung sẽ thi và tháng 6 sẽ là Gala toàn quốc.