Sau kỳ nghỉ Tết, nhiều đồ ăn dư thừa bị đổ bỏ rất lãng phí. Với một số mẹo của chị Thanh Huyền (Trung tâm Nấu ăn Bách Khoa, Hà Nội) sẽ giúp bạn bảo quản và chế biến đồ ăn thừa của ngày Tết thành các món ngon miệng hơn.
- Bánh chưng, bánh tét không dùng hết: Bạn có thể bóc hết lớp lá dong gói bên ngoài, chia thành từng phần nhỏ vừa với khẩu phần ăn của gia đình, sau đó dùng màng bọc thực phẩm, bọc kín và bảo quản trong ngăn đá. Khi ăn, để bánh rã đông tự nhiên, làm nóng lại bằng lò vi sóng hoặc chiên rán.
Chia bánh chưng/bánh tét thành từng phần đủ ăn và bảo quản
- Các loại thức ăn đã qua chế biến như (nem rán, chả giò, thịt luộc, thịt kho, canh măng…): nên chia thành các phần vừa ăn, để trong hộp hoặc túi zip, bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh. Với cách bảo quản này, có thể cất giữ đồ ăn được khoảng 7-10 ngày. Khi ăn, để thức ăn rã đông tự nhiên và hâm nóng lại.
- Thịt gà luộc: Món thịt gà luộc luôn là món ‘ế hàng’ của nhiều gia đình trong dịp Tết. Để tận dụng gà luộc, bạn có thể xé thịt gà để làm món gà xé phay, gà trộn chua ngọt, nấu phở, nấu súp, gà hầm thuốc bắc hoặc tẩm bột chiên giòn.
- Các món ăn sẵn như giò, chả, lạp xường, xúc xích, thịt nguội: Bạn có thể thái lát mỏng vừa ăn, xào cùng rau củ hoặc chế biến cùng các món mì xào, cơm rang, làm thành các món cuốn…
- Dưa chua, hành muối, kim chi: Để đồ muối không bị quá chua, bạn dùng nước lọc rửa sạch, vắt khô, cho vào hộp kín, để trong ngăn mát tủ lạnh. Khi dùng, có thể trộn thêm một chút đường để cân bằng vị của món ăn.
- Các loại trái cây: Nếu muốn tận dụng các loại trái cây bày mâm ngũ quả như mãng cầu, dưa hấu, xoài, chuối chín, bưởi, cam quýt…, bạn có thể chế biến thành nhiều cách khác nhau như xay sinh tố, làm nước ép, xắt nhỏ trái cây trộn cùng sữa chua hoặc làm thạch trái cây.