Bánh răng bừa
Cô bạn tôi quê ở Sơn Tây (Hà Nội), mỗi lần có dịp về quê liền nhắn tin: "Ăn bánh răng bừa không tớ xách vào". Hỏi vậy mà cũng hỏi bởi làm sao tôi có thể từ chối những món quà quê và tấm lòng của bạn, nhất là món ăn ngon nức tiếng của xứ Đoài.
Bánh răng bừa hay còn gọi là bánh tẻ, là loại bánh đặc trưng ở các vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trước đây, bánh răng bừa thường được làm vào các dịp lễ tết và là món bánh dâng lên mâm cúng tổ tiên. Ngày nay, bánh đã trở thành món quà quê, được làm quanh năm khi nhiều du khách gần xa biết đến.
Nhớ lần đầu bạn xách bánh vào, tôi đã ngớ người ra khi bạn chìa cái bánh nho nhỏ, xinh xinh mà giới thiệu: "Đây là bánh răng bừa, đặc sản quê mình đấy!". Nhìn chiếc bánh một hồi tôi mới dám thốt lên: "Sao gọi là bánh răng bừa?". Bạn liền giải thích: "Vì bánh có hình dáng giống răng của cái bừa, một dụng cụ để làm nông ở quê mình mà nhà nào cũng có".
Bánh có hình dáng giống răng cái bừa
Lần đầu trong đời được ăn bánh răng bừa, tôi có cảm giác giống như ăn bánh giò được bày bán khắp nơi trong thành phố. Bánh cũng được làm từ gạo tẻ, nhân từ thịt heo và mộc nhĩ… nhưng bột bánh giòn hơn và có mùi thơm đặc trưng vì được gói trong những chiếc lá dong xanh mướt.
Bấy giờ bạn mới cho tôi biết cách làm bánh răng bừa. Đầu tiên người ta chọn gạo tẻ loại ngon ngâm qua một đêm, sau đó xay thành bột nước. Bột nước này được nêm chút muối cùng ít gia vị rồi bắc lên bếp, khuấy thành một thứ bột nửa sống nửa chín cho đặc lại. "Khâu quấy bột này rất quan trọng, lửa phải vừa, quấy bột cho đều tay bột mới dẻo và không bị vón cục. Tránh để lửa lớn, bột khét sẽ mất ngon"- bạn nói. Riêng phần nhân bánh là thịt heo bằm nhuyễn xào với củ hành, mộc nhĩ cùng các loại gia vị sao cho nhân thơm ngon, ngọt đậm đà…
Chiếc bánh răng bừa thơm ngon
Để gói bánh, người ta trải lá dong ra và quết bột đã khuấy lên, tiếp tục cho nhân dọc theo chiều lá rồi gói lại sao cho hai đầu bánh thuôn dài, phần giữa gồ lên để chiếc bánh giống với cái răng bừa, vuốt đều lá và gập hai đầu lá lại cho vỏ bánh bao kín phần nhân. Sau đó, người gói mới dùng dây cột lại và đem bánh đi hấp chín. Bánh sau khi hấp thường được ăn với nước mắm chua ngọt hoặc nước mắm trong cho thêm chút tiêu mới tròn vị thơm ngon.
Đến bây giờ tôi vẫn không quên vị beo béo, bùi bùi khi được thưởng thức những chiếc bánh răng bừa ngày ấy. Không hiểu sao chỉ là món quà quê, một món ăn dân dã nhưng tôi có thể ăn đến no mà không hề thấy ngán. Có lẽ những chiếc bánh ấy ngon là do bạn tôi dày công làm nên và chịu khó vượt qua đoạn đường hàng ngàn cây số để mang vào cho tôi.