Ngày 19-7, tại hội thảo "Ứng dụng của thảo dược trong điều trị y học lâm sàng" do Bệnh viện Tuệ Tĩnh và Công ty cổ phần Dược phẩm Lâm Đồng (Ladophar) tổ chức, tiềm năng của các sản phẩm điều trị và hỗ trợ điều trị bệnh từ cây atisô được nhiều chuyên gia nhắc đến.
Theo ông Lê Tiến Thịnh, Tổng giám đốc Ladophar, với lợi thế là vùng trồng nguyên liệu atiso ở Đà Lạt, công ty đã bào chế gần 100 sản phẩm từ cây cao atiso. Hiện có 2 trong tổng số 42 sản phẩm đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia.
Các thuốc, thực phẩm chức năng có thành phần atiso được đánh giá có tác dụng rất tốt trong việc bồi bổ sức khoẻ, giảm mỡ máu, men gan, huyết áp; lợi mật, cải thiện tiêu hoá… Đặc biệt, kết quả kiểm nghiệm cho thấy hoạt chất cynarin có hàm lượng lớn từ lá tươi, giúp hỗ trợ chức năng gan rất tốt.
Ông Thịnh cho biết Ladophar đang sở hữu vùng nguyên liệu Atiso và các loại dược liệu quý khác đạt chuẩn quốc tế GACP-WHO về thực hành tốt và chế biến dược liệu. Cùng đó, vùng trồng sản phẩm Actisô đạt chứng nhận sản phẩm hữu cơ Organic - chứng nhận sản phẩm được sản xuất phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ.
Chia sẻ tại hội thảo, tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Tiến Chung, Phó Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh, cho biết việc sử dụng thuốc, các sản phẩm từ dược liệu cũng là một xu hướng của thế giới hiện nay. Với việc ứng dụng công nghệ hiện đại bào chế, các sản phẩm từ thảo dược trong đó có atiso ngày càng được ứng dụng nhiều trong điều trị và hỗ trợ điều trị.
Tuy nhiên, bác sĩ Chung cho rằng thuốc từ cỏ cây có tốt hay không còn phụ thuộc vào cách người uống sử dụng. Thảo dược hay các loại thuốc bổ đều phải dùng có liều lượng, chỉ định hợp lý. Do đó, người dùng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tham khảo ý kiến thầy thuốc. Nếu dùng quá liều, thảo dược cũng có thể gây ngộ độc cho cho gan, thận và đường tiêu hoá.