Xưa lúc gặp nhau, vợ có một mớ nốt ruồi và tàn nhang trên mặt. Thời con gái nhiều mặc cảm cũng bởi khuyết điểm ấy, khiến vợ thường xuyên xõa tóc xuống che một bên má. Cuộc sống khép kín và ít bạn bè càng khiến vợ… sợ ế, bởi quàng thêm nỗi lo mình xấu xí. Muốn xóa mấy cái mụn đó đi nhưng lại sợ đau, sợ biến chứng, sợ đủ thứ.
Cưới nhau rồi, vợ một lần thổ lộ cùng chồng tâm tư ấy, được chồng cương quyết dắt đi bệnh viện đốt laser. Hằng ngày lại nhắc vợ bôi thuốc dưỡng cho mau lành sẹo. Lúc ngắm nhìn khuôn mặt "mới" của mình trong gương, vợ xúc động muốn khóc.
Ảnh minh họa
Hồi ấy, nhà ở trong hẻm nhỏ, vợ ít xởi lởi nên không được lòng hàng xóm. Một lần chồng dắt xe vô giùm vợ, lỡ quệt vào xe họ. Một người sấn sổ quăng miếng sắt ra hăm dọa. Xui khiến sao vật ấy bay vút về phía hai vợ chồng.
Nhờ chồng che chắn nên vợ không sao, nhưng chồng bị một vết cắt phải khâu vài mũi. Sau này gia đình dọn đi chỗ khác, nhưng cái sẹo ấy vẫn còn. Chồng ít khi đả động tới, nhưng vợ thì nhớ mãi…
Đợt về quê chồng, ghé thăm nhà bà con, ông cậu hơi lẫn nên nói linh tinh. Vợ cố gắng ngồi nghe, thi thoảng "dạ" một câu cho phải phép. Chẳng hiểu sao lúc chán nản ấy, vợ lại sực nhớ tới mấy dịp cùng chồng ghé thăm cô dượng của mình. Lần nào chồng cũng chu đáo ân cần, chưa bao giờ buông lời chê bai so sánh. Dù cô dượng của vợ cũng khá là dở người, hay bày tỏ góp ý này nọ với chồng...
Chồng có anh trai chị gái sống gần nhà, nhưng vợ trong lòng vốn không ưa cho lắm. Họ thật chẳng biết điều, cái gì cũng chỉ muốn vun vén cho bản thân, hẹp hòi tính toán với em út. Chẳng hiểu sao chồng lại không nhận ra bản chất của họ, cứ để mình bị lợi dụng là thế nào?
Vậy nhưng, từ ngày bố vợ bị tai biến nhẹ, đi lại khó khăn, sáng nào chồng cũng chịu khó dậy sớm qua nhà, rủ bố vợ đi bộ tập thể dục. Đôi giày bata êm ái bố vợ đang mang dưới chân, cái áo thun rất "xì-po" mà bố vợ rất ưa cũng là do chồng lẳng lặng mua cho. Vợ chỉ biết câm nín mà cảm động…
Ảnh minh họa |
"Lấy phải (hay được?) một ông chồng có hiếu với cha mẹ, gia đình họ, nhiều khi mình cũng cảm thấy ấm ức lắm!" - hồi xưa vợ hay nghĩ vậy, lắm khi còn bực bội nghĩ: "Sao anh chẳng ở vậy mà tận tâm tận lực phụng dưỡng cha mẹ, gom góp cho người nhà luôn đi, kết hôn làm chi cho vợ con phải khổ?". Sau này, khi trải đời hơn, những va vấp khiến vợ dần trưởng thành, vợ bỗng dưng nghĩ khác. |
Đôi lúc còn thấy mình may mắn. Một người đàn ông mà mối quan hệ ruột thịt còn so đo tính toán, thì đừng mong họ rộng rãi biết điều với vợ con hay gia đình vợ. Vợ nhìn cách hành xử của chồng và tin rằng, nếu chồng chỉ còn duy nhất một chén cơm, thì chồng nhất định sẽ nhường cho cha anh ấy ăn trước. Rồi tới lượt con anh ấy. Sau tới phần vợ. Cuối cùng mới là bản thân chồng.
Cái thứ tự xếp hạng theo mức độ quan trọng ấy, phải sống cùng nhau thế nào, phải đồng hành với nhau ra sao, vợ mới thấu hiểu và thầm khâm phục.
Chồng vẫn là người đàn ông bề bộn, có chút kỹ lưỡng nên chậm chạp, sống đơn giản, không nhiều dự tính hay kỳ vọng. Chồng làm ra tiền thì về đưa vợ trang trải. Chồng luôn lo cho mình sau chót. Đó là những điều mà vợ dần dà rút tỉa ra về người đàn ông "chồng ta áo rách ta thương" của mình…