Kính gửi chị Hạnh Dung,
Gia đình tôi đang có chuyện không giải quyết được. Tất cả bắt đầu từ lỗi của tôi. Năm ngoái, một người bạn rủ tôi chung vốn đầu tư làm ăn, mua lại một khách sạn ở Vũng Tàu để kinh doanh. Tôi có hỏi ý kiến vợ, nhưng vợ tôi không đồng ý. Lý do vợ đưa ra là vì tiền bạc để dành cho lúc khó khăn đột xuất, tôi không quen làm ăn buôn bán, lại chung vốn với ba người khác trong đó có một phụ nữ, vợ tôi không ưa.
Ảnh minh họa
Lúc đó tôi cùng nhóm làm ăn đã lên kế hoạch xong xuôi, bắt đầu tiến hành công việc, tôi rất tin vào triển vọng làm ăn, và cũng vì tự ái nữa, nên bỏ qua ý kiến của vợ. Thời gian đó, tôi thường vắng nhà, vợ tôi mấy lần ghen bóng gió nhưng tôi cho qua, thực lòng cũng đâu có chuyện gì ngoài công việc.
Nhưng gần một năm mà công việc kinh doanh không phát triển, nhiều mâu thuẫn mệt mỏi, cuối cùng tôi quyết định rút vốn cắt lỗ. Khoản dành dụm của hai vợ chồng bị hao hụt nhiều, phần lỗ, phần thì đang nợ chưa đòi được. Vợ tôi coi như tại tôi gây ra mọi chuyện, mấy tháng nay không còn nói chuyện với tôi nữa, không khí gia đình rất nặng nề, ngột ngạt.
Con trai tôi năm nay học lớp 12, trước đây vợ chồng có dự định cho con đi du học, nhưng vợ tôi tuyên bố hủy kế hoạch này vì cô ấy bảo không còn tiền. Tôi đã mấy lần thử nói chuyện với vợ, thử hết mọi cách, nhưng hoàn toàn bế tắc. Cô ấy cứ nói tôi nghe người ngoài, đem tiền cho người thứ ba. Tôi thực lòng muốn giữ gìn gia đình, giải quyết êm đẹp mọi chuyện. nhưng mở miệng nói với vợ cứ như đâm đầu vào đá…
Hùng Phong (TP HCM)
Anh Hùng Phong thân mến,
Thư anh nói anh đã thử hết tất cả các cách, song có lẽ vẫn có cách anh chưa thử: anh đã khi nào đưa bà xã đi đến tận nơi, đến cái khách sạn mà anh và các bạn hùn vốn kinh doanh, để chị tận mắt thấy công việc anh làm?
Nay thì, một phần số tiền của vợ chồng anh đang nằm trong quyền sở hữu khách sạn ấy, chị hoàn toàn có thể xác định tư cách đồng chủ nhân, đến xem xét tình hình kinh doanh thực tế. Đừng cố dựng bức màn ngăn cách giữa chị nhà với công việc của anh.
Hãy để chị tham gia, nếu thực anh toàn tâm toàn ý cho công việc, chị sẽ nhận ra và dần hiểu những khó khăn của anh, dần thông cảm và bớt giận. Ngay cả việc trao đổi với nhóm bạn làm ăn của anh, chị cũng có thể tham gia để hiểu quan hệ giữa mọi người, và bớt những nghi ngờ, ghen tuông vô lý. Nói chung, việc chia sẻ minh bạch thông tin là vô cùng cần thiết trong trường hợp này.
Ảnh minh họa
Tiếp theo, anh hãy nhờ con trai phụ giúp mình trong việc thuyết phục mẹ. Phụ nữ có thể giận chồng rất lâu, nhưng ít khi giận con. Tuyên bố của chị không cho con đi học nữa có thể là một đòn "giận cá chém thớt", bày tỏ thái độ với anh là chủ yếu, không hẳn nhắm vào con. Vì vậy, anh nên "liên minh" với con để chinh phục vợ. Anh nói chuyện với con thật rõ ràng về mong muốn gìn giữ gia đình, về kế hoạch cứu vãn tình thế. Con trai có thể nói chuyện với mẹ, biết đâu chị cũng có ý kiến hay để lấy lại phần nào số tiền.
Phụ nữ hay tiếc của, nhưng nếu chỉ là tiền bạc thôi thì nỗi tiếc của ấy cũng sẽ phôi pha theo thời gian. Chắc trong trường hợp này, chị có nghi ngờ về mối quan hệ làm ăn sao đó của anh nên mới căng thẳng vậy. Khi con trai đồng cảm với ba, hai cha con có thể cùng nhau thay đổi dần không khí trong gia đình.
Đầu tiên, hãy để những câu chuyện trong nhà được trôi chảy, nếu con trai và ba nói chuyện được với mẹ một cách bình thường, nếu giao tiếp gia đình không bị tắc nghẽn bởi mặt nặng mày nhẹ, đá thúng đụng nia, thì anh mới có thể đề cập đến những chuyện khác được. Đừng vội "đâm đầu vào đá", đề cập thẳng đến chuyện mình muốn, hãy chọn cách đi đường vòng một chút, anh sẽ thấy hiệu quả. Chúc anh thành công.