Ly là điều dưỡng mới ra trường đang làm việc cho một phòng khám chuyên khoa nhi. Trong số bệnh nhân đến phòng khám, có một bé trai chừng hơn ba tuổi, nhỏ thó ốm yếu thường xuyên được bố mang đến phòng khám để điều trị.
Đàn ông chăm con mọn lúc đau ốm cứ cập rà cập rập. Ly thấy vậy thường hay giúp anh. Từ đó, hai người quen nhau. Hỏi mới biết, anh đã ly hôn. Nguyên do là anh muốn ở Hà Nội, còn chị muốn theo gia đình vào Sài Gòn.
Anh nhất quyết không theo, thế là đường ai nấy đi. Chị giao con lại cho anh nuôi. Thằng bé thiếu bàn tay mẹ cứ đau ốm quặt quẹo luôn. Từ chỗ sơ giao dẫn đến thân tình rồi yêu nhau, được gia đình anh ủng hộ, họ chỉ còn chờ ngày cưới.
Chuyện phụ lấy người đàn ông đã qua một đời vợ, hơn nữa còn đang cảnh gà trống nuôi con không phải là cá biệt trong xã hội hiện nay
Đùng một cái vợ cũ của anh trở ra Hà Nội. Hôm đầu tiên, chị có ghé thăm con. Ly cho đó là lẽ thường nên cũng không nghĩ ngợi gì. Nhưng sau đó, cứ cách ngày chị lại đến thăm, xin cho bé đi chơi, hoặc qua chỗ chị. Anh mất không biết bao nhiêu thời gian cho mấy cuộc vòng vèo tới lui suốt, đôi khi không còn thời giờ quan tâm tới Ly. Cô lên tiếng thì anh bảo là vì con.
Không lẽ đi ghen với đứa bé, thế là Ly ấm ức không nói được. Nhưng càng ngày anh càng quá đáng. Bất kể anh đang làm gì, ở đâu, dù cho có Ly ở đó hay không, hễ nghe vợ cũ gọi là anh tức tốc chạy đi.
Có lần, vợ cũ gọi anh qua rước thằng bé về, Ly đề nghị đi thay anh. Anh đồng ý. Thấy Ly, chị ta có hơi bất ngờ một chút. Bây giờ, Ly mới nhìn kỹ. Chị đẹp nền nã và kiêu sa. Nói năng hoạt bát và hiểu biết. Xem ra chị rất sành tâm lý, ít ra là nói đúng phóc suy nghĩ của Ly. Ngồi trước chị ta, Ly thấy mình kém cỏi và thua thiệt đủ đường nên vội cáo từ.
Một tuần sau đó, đúng ngày đi chụp hình cưới, tự dưng anh đòi hoãn lại. Thì ra, ngày đó nhằm ngày sinh nhật chị ấy. Ly nổi điên gây với anh một trận tơi bời rồi bắt xe về quê một mình. Tưởng anh sẽ đi xe máy về theo. Không ngờ anh ở lại Hà Nội cùng vợ cũ và con trai đi tiệc nhà hàng mừng sinh nhật. Ly tuyên bố không cưới xin gì nữa. Anh lại năn nỉ, lại lấy thằng bé ra làm lý do, Ly lại xiêu lòng nhưng rồi sau đó lại băn khoăn…
Với người "phụ nữ cũ", lòng tự trọng và sự khôn ngoan là phẩm chất cần thiết để điều khiển mọi hành vi
Chuyện lấy chồng đã qua một đời vợ, hơn nữa còn đang cảnh gà trống nuôi con như Ly không phải là cá biệt trong xã hội hiện nay.
Rắc rối thường nảy sinh từ mối quan hệ với vợ cũ mà đứa con chính là sợi dây liên lạc. Giải quyết cho được bài toán có ba con số này tức là giải quyết được mấu chốt của vấn đề. Nó đòi hỏi cả ba phải đủ tâm và trí. Trí có sáng thì tâm mới an. Trí sáng để nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo, phân biệt được lẽ phải trái ở đời. Tâm có an mới thấy lòng thanh thản, không hơn thua vô lối, không nóng nảy sân si. Trí sáng tâm an sẽ dẫn tới cách hành xử thiện chí, văn minh và nhân đạo.
Để giải quyết mối quan hệ phức tạp này, rất cần ở người đàn ông cách sống "tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát". Rất cần ở anh ấy sự bản lĩnh, lòng bao dung, tinh thần cao thượng, cộng thêm chút tâm lý và sự tinh tế cần thiết.
Với người "phụ nữ cũ", lòng tự trọng và sự khôn ngoan là phẩm chất cần thiết để điều khiển mọi hành vi. Người cũ cần thiết nhìn rõ và chấp nhận sự thật rằng chị bây giờ đã thuộc về quá khứ. Nên hạn chế tối đa sự gặp gỡ, qua lại với chồng cũ.
Chị ấy cần nên biết, bây giờ cái người hằng ngày chăm sóc, lo lắng cho con chị từng bữa ăn, giấc ngủ, cả khi bệnh hoạn ốm đau chính là người "phụ nữ mới" chứ không phải chị. Hãy đối xử tử tế với người mới để người ta tử tế với con mình, đó là cách hành xử khôn ngoan mà các chị "người cũ" nên ghi nhớ.
Dù cho xảy ra hoàn cảnh nào, nhất định người trong cuộc cũng phải đặt lợi ích của con cái lên hàng đầu
Với "người đương nhiệm", tự tin vào chính mình và tin tưởng vào người đàn ông của mình là sức mạnh khiến chị em hiên ngang, hùng dũng bước đi trên con đường minh chánh của một người đến sau hợp pháp.
Cuối cùng, dù cho xảy ra hoàn cảnh nào, nhất định người trong cuộc cũng phải nhớ đặt lợi ích của con cái lên hàng đầu mà hành xử vì nỗi bất hạnh chia cắt tình thâm mà con trẻ phải gánh chịu hôm nay là do cha mẹ chúng gây ra.